• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội lớn từ kinh tế biển, năng lượng sạch và dịch vụ logistics

Cà Mau là một trong bốn tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, nhờ phát huy tối đa điều kiện thuận lợi từ thiên nhiên, Cà Mau đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ logistics.

Tiềm năng lớn từ kinh tế biển

Cà Mau là địa phương duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: Tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp…

Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển

Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển

Vùng mặt nước ven biển cũng rất thích hợp cho việc nuôi trồng quy mô lớn các loài thủy sản nước mặn như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn… Do vậy, Cà Mau chính là tỉnh đứng đầu cả nước về nuôi tôm với diện tích chiếm gần 40% và sản lượng chiếm khoảng 22% so với cả nước.

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung phát triển ngành thủy sản trên cả ba lĩnh vực là nuôi trồng, khai thác và chế biến. Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức, Cà Mau đã phát triển được đội tàu cá hùng hậu với hơn 4.500 chiếc.

Xác định thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung quy hoạch trở thành trung tâm nuôi, đánh bắt và chế biến thuỷ sản của cả nước. Các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU.

Cùng với phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics, Cà Mau còn có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Cùng với phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics, Cà Mau còn có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Là một trong những địa phương có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, thời gian qua, huyện U Minh (Cà Mau) đã xây dựng nhiều mục tiêu cụ thể, nhằm phát triển bền vững kinh tế biển. Lãnh đạo huyện U Minh thông tin: Huyện đã vạch ra chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiều mục tiêu cụ thể, nhằm phát triển bền vững kinh tế biển của địa phương, đảm bảo hài hoà giữa các hệ sinh thái, giữa bảo tồn và phát triển.

Từ đó, huyện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển, thân thiện với biển, thích ứng với biển đổi khí hậu.

Huyện U Minh cũng phấn đấu đến năm 2045 là một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển của tỉnh Cà Mau, đạt chỉ tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển. Đối với tài nguyên biển, huyện lên kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Huyện cũng đưa ra định hướng, đến năm 2030, sẽ tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển như kinh tế thuỷ sản, du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, công nghiệp, đô thị ven biển và các ngành kinh tế mới, đời sống người dân khu vực ven biển được nâng lên...

Cơ hội lớn từ kinh tế biển, năng lượng sạch và dịch vụ logistics

Tạo bứt phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Bên cạnh tiềm năng về thủy sản, Cà Mau còn có lợi thế rất lớn về phát triển dịch vụ logistics nhờ nằm ở vị trí trung tâm của vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á, có vùng biển tiếp giáp với vùng biển các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia và lại nằm trên hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Cà Mau còn có cụm đảo Hòn Khoai có đủ điều kiện để xây dựng trở thành cảng biển tổng hợp quy mô lớn. Đây chính là những lợi thế đưa Cà Mau trở thành trung tâm dịch vụ logistics, kết nối giao thương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mekong mở rộng.

 

Cơ hội lớn từ kinh tế biển, năng lượng sạch và dịch vụ logistics

Một thế mạnh khác của Cà Mau là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tiềm năng này không chỉ có khả năng đóng góp rất lớn vào nguồn năng lượng quốc gia mà còn giúp địa phương đảm bảo an ninh năng lượng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây còn là sự thể hiện cam kết tăng trưởng xanh, khẳng định chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Được biết, theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, Cà Mau sẽ có 3.607MW điện gió. Hiện có 3 nhà máy đã đi vào hoạt động hòa vào lưới điện quốc gia 100MW. Trong tương lai, Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án với tham vọng sẽ đóng góp trên 6.500MW điện gió cho hệ thống năng lượng điện quốc gia. Bên cạnh điện gió Cà Mau cũng đang xúc tiến xin bổ sung vào quy hoạch nhiều dự án điện khí và điện mặt trời.

Đất mũi Cà Mau

Đất mũi Cà Mau

Có thể nhận thấy rằng, với những nỗ lực của mình, Cà Mau đã quan tâm, có bước đi thích hợp và những cách làm mới trong quy hoạch phát triển kinh tế ven biển. Tuy nhiên, đã qua công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội vùng biển ở Cà Mau vẫn còn những khó khăn, hạn chế.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành làng ven biển liên kết vùng; Các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, đảo.

TP Cà Mau - đô thị trung tâm cực Nam của đất nước đang đổi mới từng ngày

TP Cà Mau - đô thị trung tâm cực Nam của đất nước đang đổi mới từng ngày

Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ - hải sản; Gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi giá trị, đồng thời phát triển mạnh dịch vụ thủy sản; Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, không vi phạm vùng biển các nước; Đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ; Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến thuỷ - hải sản, phát triển các nhà máy chế biến thuỷ sản sử dụng công nghệ hiện đại.

Tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các vùng ven biển.

Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ rà soát thành lập mới các khu bảo tồn biển; Phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và các giống, loài thuỷ sản ở các vùng đất ngập nước, vùng ven biển, các cụm đảo, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ…

Với những định hướng tích cực, rõ nét nêu trên, hy vọng tỉnh Cà Mau sẽ khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo bứt phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật