• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cho vay bất động sản tại 10 ngân hàng lớn nhất

VIB là ngân hàng có dư nợ bất động sản (BĐS) thấp nhất trong Top 10 ngân hàng niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất. Ở chiều ngược lại, Techcombank là ngân hàng tập trung cho vay BĐS cao nhất

Top 10 ngân hàng lớn nhất niêm yết theo quy mô vốn điều lệ gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank, MB, Techcombank, ACB, SHB, VIB và HDBank. 

Theo thống kê của VietNamNet, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang cho vay bất động sản (BĐS) nhiều nhất trong hệ thống. Năm 2022 ngân hàng này đã dành hẳn 300 nghìn tỷ đồng (trong tổng dư nợ hơn 411 nghìn tỷ đồng) để cho lĩnh vực BĐS, gồm cho vay cả doanh nghiệp và cá nhân. Các khách hàng doanh nghiệp BĐS lớn nhất là Vingroup, Sun Group và Masterise.

Về cho vay đối với cá nhân, năm 2022, Techcombank cho 46 nghìn khách hàng cá nhân vay mua nhà với tổng dư nợ 190 nghìn tỷ đồng. Dư nợ bình quân mỗi khách hàng là hơn 4 tỷ đồng. 

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng thứ hai với dư nợ cho vay BĐS lên đến 275.000 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng cho vay khách hàng của cả năm 2022. Tỷ lệ này đưa BIDV trở thành nhà băng có tỷ trọng cho vay BĐS hàng đầu. Riêng năm 2022, dư nợ cho vay BĐS tại BIDV tăng 46 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước.

Thừa nhận đây là mức tăng trưởng khá cao so với mức tăng bình quân, nhưng ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, cho biết, ngân hàng tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng cá nhân. Đến 31/12/2022, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân mua nhà là 217.000 tỷ đồng, chiếm 79% dư nợ cho vay BĐS của BIDV. 

Do tính thanh khoản thấp nên hầu hết ngân hàng đều e ngại cho vay các dự án BĐS phân khúc cao cấp. (Ảnh: Hoàng Hà).

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đứng thứ ba về con số tuyệt đối, với 265.477 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Ngân hàng VietinBank, thông tin, dư nợ tín dụng BĐS tại VietinBank chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng của năm 2022. 

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, tính đến hết 31/12/2022, dư nợ cho vay BĐS tại ngân hàng chiếm trên 20% tổng dư nợ, tăng trưởng 17% so với năm 2021, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển BĐS và khách hàng cá nhân mua BĐS. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân chiếm khoảng 90% tổng tín dụng cho BĐS. 

Báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy tổng cho vay khách hàng năm vừa qua là 1,136 triệu tỷ đồng. Như vậy, dư nợ cho vay BĐS của nhà băng này khoảng 230.000 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng Quân đội (MB), Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái chia sẻ MB đã dành khoảng 8% dư nợ hàng năm để cho vay đối với lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, cho vay BĐS giảm hẳn trong năm 2022 khi báo cáo tài chính của MB cho thấy, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS chỉ chiếm 4,91% tổng dư nợ, đạt 21.357 tỷ đồng.

Về phía Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tỷ lệ cho vay kinh doanh BĐS năm 2022 là 14,39% tổng cho vay khách hàng, tương đương 52.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở lại chiếm tới 26,85%, đạt 82.922 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS trong năm qua đạt 30.419 tỷ đồng, chiếm 8,33% tổng cho vay khách hàng. Bên cạnh đó, cho vay trong lĩnh vực xây dựng là 60.441 tỷ đồng, chiếm 16,56% và là lĩnh vực được SHB cho vay đứng thứ hai sau lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.

Khá bất ngờ khi Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, hoạt động cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS chỉ đạt 1.995 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,86% tổng dư nợ, qua đó trở thành ngân hàng cho vay BĐS thấp nhất trong Top 10 ngân hàng niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất. 

Trong khi đó, theo phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực được VIB ưu tiên đặc biệt là “Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình”, đạt 203.000 tỷ đồng, chiếm 87,68% tổng dư nợ của VIB. 

Top 10 ngân hàng niêm yết lớn nhất còn có Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank). Tuy nhiên, hai ngân hàng này không công bố chi tiết dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh trong báo cáo tài chính. 

Như vậy, không kể ACB và HDBank, 8 ngân hàng còn lại trong Top 10 nói trên có tổng mức dư nợ đối với BĐS là 1,25 triệu tỷ đồng tính đến 31/12/2022.

Trong khi đó, NHNN cho biết dư nợ tín dụng BĐS của toàn ngành đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 5 năm qua.

Trong số các ngân hàng thương mại hiện nay, một số ngân hàng quy mô nhỏ nhưng có bóng dáng của mối quan hệ mật thiết với doanh nghiệp BĐS phía sau. Có thể kể đến như: Sacombank - Him Lam, KienLongBank - Sunshine Group, SeABank - BRG, ABBank - Glexemco, NCB - Sun Group.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính các ngân hàng này đều “ẩn” đi thông tin về cho vay BĐS, ngoại trừ KienLongBank phần nào hé lộ thông tin khi kê khai giá trị tài sản BĐS đang thế chấp tại ngân hàng là 59.353 tỷ đồng.


Tác giả: <a class="text-blue-500 text-15 notosans-bold" href="/tac-gia/tuan-nguyen-00092D.html" title="Tuân Nguyễn">Tuân Nguyễn</a>
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật