• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Xác định động lực tăng trưởng mới, “xanh hóa” nền kinh tế

Ngành Công thương sẽ chú trọng phát triển công nghiệp xanh và đẩy mạnh xanh hóa công nghiệp, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, thúc đẩy tiêu dùng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Trả lời báo chí về những bước đi cụ thể, cần thiết của Bộ Công thương để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2021-2030 ngoài việc khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước, đã bổ sung các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, đặc biệt là những nhiệm vụ nhằm khắc phục những yếu kém về nội tại của ngành được bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với 5 nội dung chiến lược.

Thứ nhất, ngành Công thương xác định các động lực tăng trưởng mới của ngành công thương, tăng cường sức chống chịu trước các “cú shock” bên ngoài và khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập.

Trong đó, trọng tâm ngành ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng làm chủ khu vực sản xuất, đặc biệt là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất; Phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng thời, ngành Công thương sẽ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Hình thành các trung tâm năng lượng lớn theo lợi thế cạnh tranh của các địa phương; Phát triển hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho phát triển ngành.

Cùng với đó, ngành Công thương phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Xác định động lực tăng trưởng mới, “xanh hóa” nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: BCT)

Thứ hai, ngành Công thương sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất, xuất khẩu và sức cạnh tranh của ngành. Tập trung phát triển kinh tế số và chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng cơ bản để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Thứ ba, chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành công thương.

Thứ tư, hình thành hệ thống các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có thương hiệu và có năng lực cạnh tranh toàn cầu gắn với tăng cường quản lý cạnh tranh, chống độc quyền.

Thứ năm, chủ trương “xanh hóa” ngành công thương sẽ được thực hiện hướng tới phát triển bền vững. Chú trọng phát triển công nghiệp xanh và đẩy mạnh xanh hóa công nghiệp; Tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và đảm bảo sản xuất, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thúc đẩy tiêu dùng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nói về những kết quả đạt được của ngành Công thương năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã kịp thời đánh giá đúng tình hình, sớm thành lập “Ban Chỉ đạo tiền phương” tổ chức lực lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các “Tổ công tác đặc biệt” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi ngay khi “cơn bão” COVID-19 lắng xuống.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành hữu quan xử lý kịp thời các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã thúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử hỗ trợ đắc lực giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ giao thương, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, đóng góp quan trọng vào kỳ tích về xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2021.

Nhờ những đóng góp của ngành Công thương đã giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của cả nước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng cao 19%, xuất siêu được duy trì năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư 4 tỷ USD.

Mặt khác, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020.

Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, cơ cấu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng từ 85,5% năm 2020 lên 86,7% năm 2021, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Điều rất đáng mừng là hàng hóa Việt Nam liên tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi chúng ta xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu khoảng 80,2 tỷ USD); EU (xuất siêu khoảng gần 23,1 tỷ USD).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật