• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau năm tồi tệ nhất thế giới

Chứng khoán Việt Nam đang vượt trội hơn so với các thị trường khác trong khu vực nhờ cắt giảm lãi suất và hỗ trợ của chính phủ, ghi nhận một sự thay đổi rõ rệt sau khi trở thành thị trường chứng khoán có hiệu suất tồi tệ nhất thế giới vào năm ngoái, theo Bloomberg.

Chỉ số VN-Index đã tăng 9,8% vào năm 2023, trong khi chứng khoán gặp khó khăn ở phần còn lại của Đông Nam Á. Trong khi đó, chỉ số Jakarta Composite của Indonesia, vốn là ngôi sao của thị trường chứng khoán khu vực trong năm ngoái, đã giảm 2,4% từ đầu năm tới nay.

Các nhà đầu tư đã quay trở lại Việt Nam sau khi giá cổ phiếu sụt giảm vào năm ngoái khiến việc định giá trở nên hấp dẫn, và khi chính phủ tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đối với các tài sản rủi ro ngày càng tăng, đặc biệt là khi định giá rẻ mang lại lợi suất hấp dẫn so với việc lãi suất tiền gửi giảm gần đây”. Các nhà đầu tư cá nhân cũng trở nên tự tin hơn khi chi phí vay thấp hơn giải phóng nhiều tiền mặt hơn cho người tiêu dùng.

Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đã tăng lên hơn 732 triệu USD trong tháng 6, cao nhất kể từ cùng kỳ tháng 4/2022, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 38,2 triệu USD cổ phiếu trong tháng này tính đến ngày 16/6, sau khi bán ròng trong tháng 4 và tháng 5. Trong khi đó, các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã chứng kiến dòng tiền chảy ra của khổi ngoại trong tháng này.

Chính phủ đầu năm nay đã cho phép các công ty kéo dài thời gian đáo hạn nợ lên tới hai năm và sử dụng các tài sản khác để thanh toán gốc và lãi cho trái phiếu như một phần trong nỗ lực giảm bớt khủng hoảng thanh khoản.

Việt Nam cũng sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu đang phải vật lộn với các đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SVB) cũng đang đi ngược xu hướng của các ngân hàng trung ương trong khu vực bằng cách cắt giảm lãi suất sớm để thúc đẩy tăng trưởng và giảm chi phí tài chính cho các công ty.

SBV mới đây cũng đã thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ tư ngay cả khi Malaysia và Thái Lan tiếp tục tăng lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách ở Indonesia và Philippines đều dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp ngày 22/6 tới đây.

Các nhà phân tích dự đoán chính quyền có thể sẽ tăng cường các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế sau khi các nhà lập pháp giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng hàng năm 6,5% mặc dù số liệu quý đầu tiên không đạt như dự báo.

Ông Jiyun Chung, giám đốc bộ phận cổ phiếu của Manulife IM Việt Nam tại TP. HCM, cho biết đây là “cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn”, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng.

Ông Marco Martinelli, một đối tác của Turicum Investment Management tại TP. HCM, thì cho rằng vẫn có thể có một số bất ổn trong ngắn hạn do thu nhập yếu và hoạt động kinh tế chậm lại.

“Các yếu tố bên ngoài như giá cả hàng hóa cao hơn và nhu cầu yếu từ các nước phát triển cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp địa phương”, ông Martinelli nhận định.

Cũng theo ông Martinelli, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, tiếp tục thể hiện mức độ quan tâm cao đối với thị trường Việt Nam.

Ông Martinelli cho biết, với P/E đang ở mức 10, thị trường chứng khoán Việt Nam mang lại sức hấp dẫn lớn hơn so với các thị trường trong khu vực. Để so sánh, P/E của chỉ số SET của Thái Lan và chỉ số Jakarta Composite của Indonesia đang giao dịch ở mức lần lượt là 15,5 và 13,3.

Xem thêm >> Hai tỷ phú giàu nhất thế giới có ‘bữa trưa 470 tỷ USD’ tại Paris


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật