• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BIDV rao bán loạt tài sản thế chấp của Thép Việt Nhật, giá khởi điểm 440 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Thép Việt Nhật.

Theo đó, tài sản đảm bảo cho khoản vay của Thép Việt Nhật tại BIDV là 2 bất động sản tại Hải Phòng gồm số 159 Bạch Đằng và Nhà máy cán Km9 quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng.

Đồng thời, tài sản thế chấp cho khoản vay này còn có máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tại Nhà máy cán Km9 quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng và loạt phương tiện vận tải, xe máy công trình (xe Mercedes E240, Toyota Camry GLI, Toyota Hiace, cần trục bánh lốp tay lái nghịch Kato KR22H, cầu trục bánh lốp Kobelco RK 250).

Giá khởi điểm cho khoản nợ này bằng toàn bộ dư nợ gốc, lãi, lãi phạt tại thời điểm ký hợp đồng dịch vụ đấu giá, khoản nợ tạm tính đến hết ngày 28/2/2022 là 440 tỷ đồng.

Theo BIDV, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá phải đáp ứng tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật đấu giá tài sản và các tiêu chí sau đây: cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp. Cùng với đó, có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố; có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm; có tối thiểu 03 đấu giá viên.
 
Thép Việt Nhật được thành lập vào năm 1998. Ngành nghề kinh doanh chính là khai thác quặng sắt, sản xuất sắt, thép gang, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng khác.

Về BIDV, quý I/2022, số dư huy động vốn của ngân hàng tăng 1,3%, dư nợ tín dụng tăng 4,7%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,8%. Lợi nhuận hợp nhất ở mức hơn 4.500 tỷ đồng, thực hiện khoảng 22% kế hoạch cả năm.
  
Theo tiết lộ của ban lãnh đạo BIDV, dự kiến nguồn thu nợ ngoại bảng năm nay có thể lên đến 8.000-9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức trích lập dự phòng năm nay sẽ vào khoảng 23.000 tỷ đồng (thấp hơn nhiều mức 29.000 tỷ đồng của năm 2021), trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng rất thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao.

Theo báo cáo của HĐQT BIDV, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng bình quân tổng tài sản 8-12%/năm, dư nợ tín dụng tăng 8-12,5%/năm, huy động vốn tăng 8-13%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng 19-26%/năm, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 12,5% trong cả giai đoạn.
 
Riêng với năm 2022, ban điều hành BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 20.600 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021.
 
Để thực hiện được mục tiêu trên, ban điều hành BIDV cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng trung dài hạn, cho vay ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tập trung đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), FDI, giảm dần mức độ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, phát triển chọn lọc khách hàng có tổng hòa lợi ích lớn.
 
Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo kỳ hạn, loại tiền, đối tượng khách hàng nhằm tiết giảm chi phí huy động vốn, gia tăng quy mô phát hành giấy tờ có giá với chi phí thấp; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng trên cơ sở theo dõi sát tình hình thực hiện chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Song song, thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) trọng điểm, phấn đấu tăng trưởng thu dịch vụ ngân hàng số đạt trên 40% trong năm 2022.
 

Đặc biệt, tập trung triển khai các phương án tăng vốn điều lệ, vốn tự có nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật