Bạc Liêu: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
6 tháng đầu năm 2023, GRDP Bạc Liêu ước tăng 6,93% so với cùng kỳ, xếp thứ 3/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, một số ngành có xu hướng phát triển, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bạc Liêu đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, qua đó tình hình kinh tế - xã hội phục hồi rất tích cực và khá toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, kinh tế tiếp tục phát triển khá, tốc độ tăng trưởng đạt 6,93%, đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 19/63 so với tỉnh, thành cả nước.
Kinh tế Bạc Liêu tiếp tục phát triển khá |
Cụ thể, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,72%. Trong đó, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác trong tháng 6 đạt 40.880 tấn, lũy kế 6 tháng ước đạt 190.021 tấn tăng 7,89 % so cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng lúa 148.527 ha, thu hoạch 89.725 ha với sản lượng ước 607.204 tấn, đạt 50,60% kế hoạch.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Đến nay đã có 108 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (85 sản phẩm đạt 3 sao và 23 sản phẩm đạt 4 sao).
Công tác xây dựng Nông thôn mới luôn được tỉnh Bạc Liêu quan tâm đẩy mạnh. Tỉnh hiện có 15 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 3 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng 7,67%. Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm ước 37.405,35 tỷ đồng, tăng 20,88% so cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh 6 tháng đầu năm tăng 6,49%, chủ yếu vẫn tập trung vào mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
Bạc Liêu đẩy mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao |
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển. Các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt và kịp thời. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Những kết quả đạt được trong 6 tháng qua đã phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo, hiệu quả và chủ động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cùng các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế từ đầu năm đến nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn và hạn chế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 bị tụt hạng so với năm 2021. Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá trị kim ngạch xuất khẩu mới đạt 41,49% so kế hoạch.
Bạc Liêu hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao |
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề ra 15 nhiệm vụ, giải phát để phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.
Trong đó, tỉnh Bạc Liêu chú trọng xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân; Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiềm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh.