ACB lên kế hoạch lợi nhuận vượt 20.000 tỷ, tăng trưởng tín dụng 9,7%
ACB đặt mục tiêu dư nợ cho vay năm 2023 tăng 9,7%. Theo ngân hàng, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp ngày 24/2/2023, mức tăng trưởng thực tế trong năm sẽ điều chỉnh tương ứng khi được NHNN cấp bổ sung.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 là một trong những nội dung trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên vừa được Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) công bố.
Theo đó, HĐQT ACB dự kiến trình ĐHĐCĐ 5 chỉ tiêu tài chính tín dụng chủ yếu năm 2023 gồm tổng tài sản mục tiêu 668.788 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2022. Tiền gửi (gồm giấy tờ có giá) dự kiến đạt 495.411 tỷ đồng, tăng 8,1%; dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng 9,7%.
Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2023 đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với mức thực hiện năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 2%.
ACB cho biết, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 như trên được NHNN cấp ngày 24/2/2023. Mức tăng thực tế trong năm sẽ điều chỉnh tương ứng khi được NHNN cấp bổ sung.
Về phương án phân phối lợi nhuận, ACB dự kiến sẽ hoàn tất việc chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% trong quý III/2023. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 506 triệu đơn vị, vốn điều lệ sau khi phát hành sẽ tăng từ hơn hơn 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.
Cổ đông lớn thuộc khối ngoại duy nhất của ACB trước và sau khi tăng vốn là nhóm quỹ Dragon Capital, với tỷ lệ sở hữu là 6,92%.
Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua, ngân hàng này còn dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.
Năm 2023, ACB lên kế hoạch cổ tức tương tự với tổng tỷ lệ 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Về thay đổi nhân sự cấp cao, ACB dự kiến bầu HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2023-2028) tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới đây. Theo đó, 9 ứng cử viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới bao gồm 6 thành viên từ HĐQT cũ và 3 thành viên là ông Đỗ Minh Toàn, ông Nguyễn Văn Hoà và ông Trịnh Bảo Quốc.
Dưới góc nhìn của các tổ chức phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho ACB ở mức thận trọng là 15% do NHNN vẫn đang rất thận trọng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng vì rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu khi điều chỉnh lương vào giữa năm nay và việc Trung Quốc mở cửa đang khiến giá hàng hóa bật tăng trở lại.
Tăng trưởng nguồn vốn huy động là khoảng 13,8% để vẫn có thể đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng. Tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên vốn huy động) từ đó tăng nhẹ lên 79,4%. KBSV dự báo biên lãi thuần năm 2023 của ACB sẽ chỉ tăng nhẹ 0,05 điểm % so với năm 2022, đạt 4,31% do lãi suất duy trì mức nền cao trong ít nhất nửa đầu năm nay.
Theo KBSV, ACB sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vừa để gia tăng thị phần, vừa để thu hút khách hàng mới; tỷ lệ CASA cải thiện nhờ tiếp tục đầu tư chuyển đổi số.
Thu nhập lãi thuần năm 2023 của ACB theo KBSV dự phóng đạt 27.254 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Thu thuần từ phí đạt 4.149 tỷ đồng, tăng 17,7%. Chi phí hoạt động đạt 11.218 tỷ đồng tương ứng với giả định tỷ lệ CIR dự phóng là 34% do không còn khoản trích lập lớn cho quỹ đầu tư khoa học công nghệ.
Chi phí dự phòng rủi ro 2023 là khoảng 714 tỷ đồng. KBSV dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 16.846 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ.