• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

9 triệu tài khoản chứng khoán, 99% cá nhân, 90% thua lỗ

Hồi chuông cảnh báo sau sự bùng nổ tài khoản giao dịch chứng khoán.

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 9.25 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, đã vượt qua mục tiêu năm 2025 theo chiến lược phát triển thị trường của cơ quan quản lý. Nếu xu hướng tham gia vào thị trường tiếp tục duy trì, mục tiêu 11 triệu tài khoản vào năm 2030 có thể sớm hoàn thành.

Tuy nhiên, con số đẹp đẽ kia chưa thể phản ánh toàn bộ bức tranh. Trên 99% số tài khoản giao dịch chứng khoán thuộc về các nhà đầu tư cá nhân trong nước và điều kém vui là hàng triệu tài khoản trong số đó không hề gặt hái được “trái ngọt”.

Theo thống kê không chính thức thường được giới chuyên gia đề cập, bao gồm Chủ tịch VNDirect - bà Phạm Thị Minh Hương hay cả chuyên gia từ quỹ đầu tư lớn nhất thị trường Dragon Capital, có tới 90-95% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ vì cổ phiếu trong dài hạn, đặc biệt là những người giao dịch thường xuyên.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tốp đầu từng tiết lộ: tỷ lệ tài khoản active (có hoạt động giao dịch) cũng chỉ ở mức 20-30%. Lý giải tình trạng này, ngoài việc một cá nhân mở nhiều tài khoản, điều đáng lưu tâm hơn chính là các khoản thua lỗ nặng nề đã khiến nhà đầu tư rời thị trường, dẫn đến tài khoản bị bỏ hoang.

Tỷ lệ thua lỗ quá cao của giới đầu tư cá nhân đặt ra câu hỏi: Liệu tiếp tục thu hút người không chuyên dấn thân vào hoạt động mua bán cổ phiếu có phải việc nên làm?

Bài học lịch sử cho thấy, điều đó rõ ràng đã làm hại túi tiền hầu hết nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam - một quốc gia chỉ có khoảng 30% người trưởng thành hiểu biết về tài chính, theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Vòng luẩn quẩn

Vì thiếu năng lực thẩm định cần thiết, phần đông nhà đầu tư cá nhân ít có khả năng né tránh cạm bẫy trên thị trường.

Ví dụ điển hình là những vụ thao túng bị phanh phui tại nhóm cổ phiếu FLC, ART, GAB, AMD, HAI liên quan ông Trịnh Văn Quyết hay nhóm cổ phiếu TGGBII trong vụ án của ông Đỗ Thành Nhân. Đánh giá một cách khách quan, kể cả trước khi sự việc được cơ quan quản lý phơi bày, các nhóm cổ phiếu này vốn đã bị người quan sát có năng lực gắn cờ đỏ, không thể xem là tài sản đầu tư đúng nghĩa mà chỉ là sản phẩm đầu cơ không hơn không kém.

Một thực trạng báo động là thị trường cổ phiếu đang bị đối xử như nơi kiếm tiền tạm bợ bởi lượng lớn cá nhân tham gia, thay vì một kênh đầu tư.

Phần đông chủ tài khoản chứng khoán giao dịch ngắn hạn với tần suất cao, thường đặt cược dựa vào các ý tưởng xuất hiện tức thì về việc cổ phiếu nào sắp tăng giá nay mai. Hệ quả là người tham gia dễ dàng bỏ đi ngay khi cảm thấy thị trường biến động tiêu cực hoặc khi thua lỗ.

Dòng tiền thiếu bền vững như vậy khiến thị trường cổ phiếu khó trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, nhà đầu tư cá nhân cũng không đặt nhiều niềm tin vào tính minh bạch của thị trường. Đối với họ, doanh nghiệp tốt hay xấu không quan trọng bằng việc cổ phiếu có tăng giá hay không. Lối suy nghĩ này khiến họ dễ dàng chấp nhận tham gia những giao dịch mà rõ ràng không thể thỏa mãn tiêu chí của một khoản đầu tư, đồng nghĩa xác suất gặp thua lỗ cao hơn.

Phát triển thị trường chứng khoán là một mục tiêu quan trọng, nhưng chúng ta cần mở rộng ở cả quy mô và chất lượng nhà đầu tư. Theo đó, việc nên làm là khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp nhận ủy thác vốn từ cá nhân.

Đây là hướng đi hợp lý xét trên khía cạnh tìm kiếm lợi nhuận, bởi trong khi các cá nhân thua lỗ thì không ít quỹ đầu tư đã duy trì được mức sinh lời tốt hơn so với mặt bằng thị trường trong nhiều năm.

Chuyển hướng dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân sang các tổ chức dĩ nhiên chẳng phải chuyện sớm chiều, bởi điều này liên quan đến việc nâng cao hiểu biết của cả cộng đồng về tài chính đầu tư căn bản.

Nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn luôn ưa thích việc tự quản lý tài sản, cũng như kỳ vọng mức lợi nhuận quá cao so với thực tiễn. Chính những nhận thức sai lệch này đã thôi thúc họ dấn thân vào các giao dịch đầy rủi ro, làm ảnh hưởng đến tương lai tài chính của bản thân.

- 12:00 14/01/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết