‘Bộ Tài chính khẩn trương tìm mọi cách tháo gỡ để triển khai gói hỗ trợ 2%’
Trao đổi với phóng viên chiều 9/1 tại buổi họp báo Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP chưa được các doanh nghiệp mặn mà; đồng thời quan ngại việc bị thanh tra, kiểm toán.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính). |
"Qua quá trình tổng hợp, chúng tôi nhận thấy một số vướng mắc chính sau: Đầu tiên do bản thân doanh nghiệp họ chưa mặn mà và họ cũng rất quan ngại: Nếu nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sau này bị thanh tra, kiểm toán nên họ không muốn. Nguyên nhân tiếp theo là do điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi. Việc đánh giá khả năng phục hồi như thế nào còn đang gặp khó, chúng tôi báo cáo cấp thẩm quyền chỉnh sửa việc này", ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết.
Đề cập câu hỏi của báo Tin tức về ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cũng như từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đưa ra một số phương án như: Điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt cho vay giải quyết việc làm hoặc chuyển số tiền chưa giải ngân của gói vay này sang chương trình miễn giảm thuế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: “Bộ Tài chính chưa bàn sâu về việc này mà đang khẩn trương khẩn trương tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn của gói hỗ trợ này”.
Hiện các quy định liên quan như việc thanh toán trước 85% tiền hỗ trợ lãi suất cho những ngân hàng đang triển khai gói 2%, phía Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhanh chóng để khi ngân hàng thương mại và NHNN có hồ sơ đề nghị, Bộ Tài chính xúc tiền làm sớm.
Tại họp báo thường kỳ quý IV/2022 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 9/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thừa nhận: Tiến độ của gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất chậm, vì thế Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi những vướng mắc. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng gặp vướng mắc ở chỗ xác định đúng đối tượng. Đối tượng chủ yếu ở đây là hộ kinh doanh, hộ gia đình, yêu cầu đặt ra với họ là phải đăng ký kinh doanh. Trong khi trên thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh, hộ gia đình chưa đăng ký kinh doanh.
“Quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, các cấu phần trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất, bản thân các doanh nghiệp cũng có những e ngại về việc thanh tra, kiểm ra, sai sót sau này. Rõ ràng, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp; đồng thời cần sự vào cuộc rất quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương”, ông Cấn Văn Lực bày tỏ.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: Doanh nghiệp muốn vay vốn hỗ trợ vô cùng khó. Bởi lẽ, với yếu tổ chưa có tiền tệ, chính sách hướng dẫn còn mang tính chung chung nên doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục. Ngoài ra, khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn muốn tuân thủ pháp luật. Song, do các khâu thực hiện có thể xuất hiện sai sót ngoài mong muốn, họ lại sợ bị truy cứu trách nhiệm. “Cơ quan quản lý nên tập trung hướng dẫn doanh nghiệp làm thế nào cho đúng, thay vì coi họ là đối tượng vi phạm pháp luật. Được như vậy, doanh nghiệp vừa dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi triển khai cấp vốn”, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết: “Theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Các doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng, dù đánh giá doanh nghiệp có khả năng trả nợ, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế có sự biến động lớn hiện nay, việc đánh giá doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay không là rất khó khăn. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách”.
Hiện tại, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng ngân sách nên sự chặt chẽ, thận trọng về mặt quy định là dễ hiểu. Tuy vậy, sự thiếu linh hoạt sẽ khiến gói hỗ trợ này khó giải ngân. Việc sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP đang mất nhiều thời gian và chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên điều chuyển nguồn sang gói hỗ trợ khác.
Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hiệu lực từ ngày 20/5/2022. Vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. |
Chuyển sang hỗ trợ thuế, phí để hỗ trợ khẩn cho doanh nghiệp Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) từng đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nếu thực hiện như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh. Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần sớm có giải pháp tập trung triển khai hiệu quả gói hỗ trợ này vì nhiều dự án không thể tiếp tục thực hiện do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ. |