• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Nóng" vấn đề ô nhiễm sông hồ, xử lý xả thải

Sáng 4/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nhiều đại biểu truy trách nhiệm của Bộ TN&MT về tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang càng ngày càng nghiêm trọng; tình trạng đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm...

Nhiều dòng sông trở thành “sông chết”

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phản ánh thực trạng nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành các “dòng sông chết” và đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ trong việc hồi sinh các “dòng sông chết”, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận, hiện nay có nhiều “dòng sông chết”, trong đó có nhiều con sông ô nhiễm nặng nề, như Bắc Hưng Hải.

Trước thực trạng này, những năm qua, Bộ TN&MT và các địa phương cũng đã nỗ lực đưa ra giải pháp nhưng chưa giải quyết được bao nhiêu.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, nhiều cụm công nghiệp, làng nghề vẫn xả thải ra các dòng sông, nhưng chưa giải quyết được, vì chưa có nguồn lực.

Để giải quyết thực trạng này, ông Khánh cho rằng, các địa phương cần phải chung tay giải quyết; phải "tạo ra" dòng chảy cho các dòng sông.

“Nước sông Hồng không chảy vào được kênh Bắc Hưng Hải nên không thể tạo ra dòng chảy, không điều hòa được nguồn nước”, ông Khánh nêu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, tới đây sẽ kiến nghị thành lập Ủy ban điều hành các dòng sông để tạo dòng chảy, khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Ô nhiễm càng ngày càng tăng, trách nhiệm của Bộ thế nào?

Nghe câu trả lời của Tư lệnh ngành Tài nguyên và môi trường về việc hồi sinh các "dòng sông chết", đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) giơ biển xin tranh luận về trách nhiệm quản lý khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

“Bộ trưởng nói việc này cần thời gian và nguồn lực nhưng cần bao nhiêu năm nữa? Nguồn lực xử lý tổng thể ô nhiễm thế nào, vì vấn đề này ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân”, đại biểu Toàn đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua đơn vị và Bộ Công an đã phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và nước thải từ cụm công ghiệp, làng nghề.

Bộ TN&MT cũng đã cùng các địa phương tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm.

Về tình trạng “càng ngày càng ô nhiễm”, Bộ trưởng giải thích do phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu về nước sẽ ngày càng tăng.

Theo ông, những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang bị tác động bởi tiến trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn. Giải pháp ông đưa ra là cần tạo được dòng chảy, khơi thông hệ thống.

“Việc này cần giải pháp vừa tổng thể vừa căn cơ, bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các dòng sông”, ông Khánh nói.

Đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn

Quan trắc thường xuyên và liên tục

Cũng liên quan tới nội dung này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chia sẻ vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy đã kéo dài nhiều năm, cử tri các tỉnh như Nam Định chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nước. Bà Hoa đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tình trạng địa phương xả thải nhiều nhưng xử lý nước thải ít; tình trạng đô thị thì xả thải, nông thôn thì gánh chịu ô nhiệm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy chưa được cải thiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc môi trường nước mặt. Ngoài ra, địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.

Về thu gom, xử lý chất thải, Bộ trưởng khẳng định cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, có sự chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy. Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chúng tay bảo vệ. Trong thời gian tới, đầu tư công cũng cần quan tâm tới nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải này.

Về yêu cầu hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số vào quản lý tài nguyên nước (câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn Bình Dương), Bộ trưởng Khánh cho biết chắc chắn phải áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quan trắc ô nhiễm, kể cả công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tiếp tục quan trắc theo thẩm quyền, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác giám sát quan trắc các hồ thủy lợi.

 

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết