• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gấp rút làm đường cao tốc nối Bình Định - Gia Lai

Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Ngày 8-1, nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai đang được Chính phủ giao gấp rút hoàn thiện, chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Tuyến đường chiến lược

Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết dự án tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ. Đây còn là tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn. Ngoài ra, còn kết nối với khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và là cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Hiện Quốc lộ 19 là tuyến đường duy nhất nối tỉnh Gia Lai với Bình Định nhưng có nhiều đoạn đường đèo, hiểm trở

Hiện Quốc lộ 19 là tuyến đường duy nhất nối tỉnh Gia Lai với Bình Định nhưng có nhiều đoạn đường đèo, hiểm trở

Về đặc điểm địa hình, Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt do chênh lệch độ cao lớn. Hiện hạ tầng giao thông đường bộ trong khu vực tập trung ở 2 trục dọc là Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 và đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang đầu tư. Các trục ngang kết nối giữa Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có mật độ thấp, từ tỉnh Gia Lai xuống tỉnh Bình Định chỉ có duy nhất Quốc lộ 19. Tuy nhiên, cung đường này có nhiều vị trí đèo quanh co, hiểm trở nên việc vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn bị hạn chế, tốc độ bình quân chỉ khoảng 40 - 50 km/giờ; đến năm 2030 sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối giữa 2 tỉnh trên.

Do vậy, việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tốc độ cao, an toàn, năng lực thông hành lớn là rất cần thiết, làm tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có, mở rộng không gian phát triển của vùng Tây Nguyên. Hơn nữa, dự án còn có thể mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch, giúp khai thác được tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên đa dạng đến nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở Tây Nguyên; đồng thời, tạo điều kiện liên kết du lịch giữa Nam Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên phát triển.

Phấn đấu khởi công trước tháng 8-2025

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại cảng Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), điểm cuối tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai); chiều dài dự kiến khoảng 180 km; quy mô 4 làn xe; tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Tuy nhiên, tỉnh Bình Định có văn bản đề xuất điều chỉnh vị trí điểm đầu từ "cảng Nhơn Hội" về "thị xã An Nhơn") nhằm phát huy hiệu quả của tuyến đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội và đoạn Quốc lộ 19B (liền kề cảng hàng không Phù Cát) hiện đã được đầu tư mở rộng; bảo đảm không gian phát triển đô thị vùng nội và ngoại thị của thị xã An Nhơn; giảm tác động đến không gian thoát lũ phía Đông và tuyến tránh Quốc lộ 1; giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Quy hoạch vùng Tây Nguyên và đề xuất của tỉnh Bình Định, Bộ GTVT đã rà soát và thống nhất điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tuyến tại thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), điểm cuối tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai); chiều dài dự kiến còn 123 km; quy mô 4 làn xe; tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác trung ương mới đây, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đã đề nghị trung ương có cơ chế, chính sách để bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước ưu tiên tập trung thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm, liên kết của vùng. Trong đó có việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - TP Pleiku. Ông Hồ Văn Niên cũng đề nghị Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT là chuyển dự án từ hình thức PPP sang hình thức đầu tư công. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn chỉnh hồ sơ đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku để khởi công trước tháng 8-2025.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết giao thông kết nối tỉnh Gia Lai khó khăn, nhất là các trục ngang kết nối Gia Lai với vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh Gia Lai và Tây Nguyên không thể phát triển một mình mà phải gắn với các trục tăng trưởng khu vực duyên hải. Do đó, cần sớm đầu tư các trục ngang kéo Tây Nguyên về với biển, trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Về dự án này, ông Dũng cho hay Chính phủ thống nhất chuyển sang đầu tư công. Nếu có nguồn vượt thu trong năm 2025 sẽ bố trí làm ngay. 

Gia Lai, Bình Định là chủ đầu tư

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết Chính phủ đã giao 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định làm chủ đầu tư dự án này. Để đẩy nhanh tiến độ, phần giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng và giao cho các địa phương làm trước. Đồng thời, đề nghị 2 địa phương cần chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng dự án.


Tác giả: Theo Hoàng Thanh
Tags: cao tốc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết