• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chọn hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao đoạn qua Quảng Bình

Bộ Giao thông vận tải vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về hướng tuyến, vị trí nhà ga... đường sắt tốc độ cao đoạn qua địa phận tỉnh này.

Dự kiến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) đoạn đi qua Quảng Bình có chiều dài gần 120 km, được bố trí 1 nhà ga chính tại xã Nghĩa Ninh và 2 nhà ga phụ tại huyện Quảng Trạch và huyện Lệ Thủy.

Chọn hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao đoạn qua Quảng Bình - Ảnh 1.

Đường màu đỏ là hướng tuyến điều chỉnh ĐSTĐC đoạn qua thị xã Ba Đồn, vượt sông Gianh và sông Son.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua tỉnh Quảng Bình sẽ gần giống như hướng của đường sắt Bắc - Nam hiện tại, nhưng không hoàn toàn nằm ở phía Tây như đường cao tốc Bắc - Nam.

Đoạn từ Đèo Ngang đến TP. Đồng Hới: Sau khi vượt Đèo Ngang bằng công trình hầm, tuyến đi men theo hồ Vực Tròn về phía Đông, qua khu vực thưa dân cư, vượt quốc lộ 12A, sau đó vượt sông Gianh tại vị trí cách cầu Gianh của Quốc lộ 1 khoảng 6,3 km về phía thượng lưu, đi về phía Đông tránh hồ Vực Nồi, vượt tỉnh lộ 2B và đường sắt hiện tại thuộc địa phận các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch.

Chọn hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao đoạn qua Quảng Bình - Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận về hướng tuyến của ĐSTĐC đoạn qua Quảng Bình.

Đoạn tuyến từ TP. Đồng Hới đến hết tỉnh Quảng Bình (qua địa phận các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy): Hướng tuyến qua ga Đồng Hới, vượt đường sắt hiện tại, đường Lê Lợi, vượt sông Rào Lũy, tỉnh lộ 4B, qua khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu, vượt sông Nhật Lệ tại vị trí cách cầu Nhật Lệ của Quốc lộ 1 khoảng 700 m về phía thượng lưu.

Sau đó tuyến đi về phía Nam, vượt sông Kiến Giang tại vị trí cách cầu Trung Quán khoảng 1.1 km về phía Tây, vượt đường sắt hiện tại và tỉnh lộ 16, qua khu vực thưa dân cư, đất nông nghiệp và vùng đồi thấp các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy sang địa phận tỉnh Quảng Trị.

Tại hội nghị, các ý kiến cơ bản giữ nguyên phương án hướng tuyến như đã thống nhất giữa Quảng Bình với Bộ GTVT năm 2018, chỉ điều chỉnh cục bộ một số vị trí tại khu vực xã Quảng Hải và huyện Quảng Ninh nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, phù hợp quy hoạch tỉnh và cải thiện yếu tố hình học của tuyến.

Ngoài ra, với lý do là tỉnh có chiều dài gần 120 km, ngoài ga chính tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình xin thêm 2 ga phụ, vị trí đặt tại huyện Quảng Trạch và huyện Lệ Thủy.

Chọn hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao đoạn qua Quảng Bình - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, lựa chọn hướng tuyến và vị trí nhà ga phải trên cơ sở tầm nhìn lâu dài, phù hợp với các định hướng quy hoạch của tỉnh Quảng Bình vừa được phê duyệt; đồng thời ghi nhận, tiếp thu ý kiến đề xuất của tỉnh Quảng Bình và sẽ sớm có văn bản gửi UBND tỉnh đối với việc thống nhất phương án lựa chọn hướng tuyến và vị trí nhà ga.

Tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam đã được đề cập trong quy hoạch tổng thể phát triển Giao thông Vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dự kiến, Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam quy mô đầu tư là đường đôi, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD. Dự án sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố với 23 ga, kết nối 2 trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội ở 2 đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật