• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Nguy cơ chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng

Gặp nhiều vướng mắc, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đang bị "lụt tiến độ" và có nguy cơ chậm về đích theo kế hoạch đề ra.

Khó khăn, vướng mắc

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 77km. Đây là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng nâng cao kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.

Tổng chiều dài tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua huyện Hàm Yên dài 48,16 km qua địa phận 11 xã, thị trấn với 1.700 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng và di dời tái định cư.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Nguy cơ chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng

Khó khăn trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là trở ngại lớn nhất tại Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn Hàm Yên. Ảnh: Công Thương

Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Yên đến ngày 03/02/2025, tổng diện tích các khu dân cư - tái định cư phục vụ Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn đã thực hiện được 27,019 ha. Tổng số hộ: 328 hộ và 19 tổ chức, tổng số tiền đã chi trả: 50,649 tỷ đồng. 17/19 mặt bằng khu dân cư - tái định cư đã cơ bản hoàn thành mặt bằng tổ chức bốc thăm giao đất tái định cư (đợt 1,2,3) cho 172 hộ/172 lô/288 lô đất.

Ông Đỗ Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyên Hàm Yên cho biết: Với tinh thần làm việc khẩn trương, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh Tuyên Quang chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực để phấn đấu bàn giao mặt bằng sớm nhất cho chủ đầu tư thi công. Tuy nhiên do vướng mắc và tồn tại trong quản lý đất đai giữa đất lâm trường và người dân. Việc này địa phương đã tyên truyền vận động người dân cũng như các tổ chức cá nhân liên quan. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường xem xét có những cơ chế hỗ trợ sao cho thấu tình đạt lý nhất.

Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) được chia thành 6 gói thầu xây lắp (từ gói XL19-XL24). Trong đó, gói thầu XL24 thực hiện 22 công trình cầu trên toàn tuyến, được thực hiện bởi Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Thông tin với báo chí, đại diện ban điều hành gói thầu XL24 dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang cho biết đang rất lo lắng về tiến độ thi công cầu bởi vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ.

Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc ban điều hành gói thầu XL24 cho biết, trong những tháng cuối năm 2024, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cùng với chính quyền các địa phương cũng đã rất quyết tâm để hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho dự án.

Trên phạm vi mặt bằng được bàn giao, liên danh nhà thầu đã huy động 152 máy móc thiết bị, 230 cán bộ, kỹ sư và công nhân để tổ chức thi công tại 19/19 điểm cầu được bàn giao.

Tổng sản lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 174,5/626 tỷ đồng, tương đương gần 31% kế hoạch. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, một số vị trí đường găng vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 19/20 điểm cầu được bàn giao giải phóng mặt bằng một phần hoặc toàn bộ.

Phấn đấu về đích trong năm 2025

Theo kế hoạch, đến 31/12/2025, toàn bộ tuyến Hà Giang - Tuyên Quang sẽ về đích, nghĩa là chỉ còn 10 tháng nữa để hoàn thành các công trình trên tuyến. Mặc dù vậy, đến nay, các vị trí đường găng như: Cầu vượt quốc lộ 2 đang vướng mắc vị trí của cả 4 mấu trụ, chưa thể triển khai thi công.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Nguy cơ chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng
Gói thầu XL24 thực hiện 22 công trình cầu trên toàn tuyến, được thực hiện bởi Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh: Việt Trung

Nhằm đảm bảo tiến độ của dự án, trong tháng 2/2025, UBND huyện Hàm Yên tiếp tục chỉ đạo tăng cường phối hợp giải quyết các vướng mắc và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động 44 hộ và 15 lượt hộ phê duyệt tháng 12/2024 của đường cao tốc chưa nhận kinh phí bồi thường đồng thuận nhất trí nhận kinh phí bồi thường để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

“UBND huyện Hàm Yên cũng đưa ra đề xuất đối với diện tích đất 21,855 ha thu hồi đường cao tốc nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các Công ty Lâm nghiệp, Chương trình 327 và Dự án 661 UBND tỉnh xem xét có cơ chế đặc thù để giải quyết tháo gỡ, đa số các hộ đã sử dụng, lấn, chiếm trước thời điểm các Công ty Lâm nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. ông Hòa nhấn mạnh.

Qua kiểm tra, kết quả tổng hợp rà soát diện tích sau thu hồi nhỏ, lẻ, manh mún của các hộ chưa đủ các điều kiện để canh tác và sản xuất tổng diện tích: 7,62 ha, 655 thửa đất của 444 hộ trên 11 xã, thị trấn; tài sản trên đất sát với ranh giới thu hồi, kết quả tổng hợp rà soát có 105 hộ có tài sản sát ranh giới thu hồi Dự án đường cao tốc chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến xem xét đo đạc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ.

Không chỉ gặp vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, các nhà thầu thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hiện còn đang gặp khó khăn trong vấn đề đổ thải. Hiện các nhà thầu đang phải tạm thời tập kết đất, đá thải ra khu vực mặt bằng của dự án (giai đoạn 2).

Các hạng mục chính đang được tập trung triển khai như: Cọc khoan nhồi tại các cầu lớn, phát quang dọn dẹp mặt bằng, đào bỏ vật liệu không thích hợp, đào và đắp đất nền đường, thi công đường công vụ…

Trước thực trạng này, Ban Điều hành gói thầu đã trực tiếp làm việc với các nhà thầu phụ xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết và đôn đốc thực hiện, tổ chức kiểm đếm tiến độ hàng tuần và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm kế hoạch đề ra.

“Ban Điều hành cũng đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các cơ quan chức năng để đẩy nhanh bàn giao mặt bằng, đặc biệt tại các hạng mục trọng điểm như cầu vượt quốc lộ 2. Các đơn vị thi công cũng điều chỉnh kế hoạch triển khai, huy động thêm nhân lực và thiết bị ngay khi mặt bằng sạch được bàn giao, nỗ lực bù tiến độ”, ông Lê Đức Tranh nói.

"Việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn còn tồn tại. Mục tiêu đặt ra trong năm 2025 là hoàn thành đúng tiến độ gói thầu, bảo đảm chất lượng thi công, an toàn lao động và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của dự án, góp phần đưa toàn bộ dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang về đích đúng hẹn, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ thông tuyến 3.000km đường cao tốc trong năm 2025". Đại diện Ban Điều hành gói thầu nhấn mạnh.

Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan và chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân để đẩy nhanh tốc độ đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao công địa để bố trí máy móc thiết bị, triển khai đồng loạt các hạng mục, đáp ứng tiến độ dự án. Đối với các cầu đã được bàn giao mặt bằng, nếu gặp khó về đường công vụ, tiếp cận, các đơn vị thuyết phục người dân cho mượn đường và mặt bằng để lên kế hoạch, phương án thi công và lập tiến độ triển khai chi tiết, phù hợp tiến độ chung.

Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) với chiều dài 77km. Đây là công trình quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và khu vực Đông Bắc, Tây Bắc nói chung.

Dự án hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm thủ đô Hà Nội theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đến Hà Giang và đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết