Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT 4 môn
Chiều 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức họp báo thông tin về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.
Thông tin chính thức tại họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương cho biết, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì họp báo chiều 29/11 |
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp.
Người học đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.
Phương án thi này được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện, Bộ sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương, phương án thi được xây dựng trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của Nhà nước, của ngành GD&ĐT liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT và cơ sở khoa học dựa trên mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Theo Bộ GD&ĐT, trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến xã hội, dự thảo phương án thi đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ báo chí Trung ương và địa phương.
Các ý kiến trao đổi, phân tích từ các chuyên gia, giáo viên, học sinh, phụ huynh và Nhân dân được ghi nhận trên các báo là kênh tham khảo quan trọng để Bộ GD&ĐT từng bước hoàn thiện phương án thi, đảm bảo các yêu cầu đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của Nhà nước, của ngành GD&ĐT liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT; đảm bảo về khoa học giáo dục và mong muốn của đa phần dư luận xã hội.
Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Văn phòng Bộ GD&ĐT) từ ngày 29/10/2023 đến 28/11/2023 có 83 bài viết trên báo chí Trung ương (không tổng hợp báo chí địa phương) đề cập tới dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trong đó, 69 bài ủng hộ phương án 2+2; băn khoăn nếu môn Ngoại ngữ không thi bắt buộc (không hẳn là không ủng hộ phương án 2+2) có 13 bài; đề cập tới môn Lịch nếu không thi bắt buộc có thể ảnh hưởng tới việc dạy và học có 1 bài.
Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.