Tâm lý học đường: Thay đổi để thích ứng
Bất cứ thời điểm nào, công tác tâm lý trường học phải luôn đổi mới và được quan tâm mạnh mẽ, đúng mức.
Đó là ý kiến của TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM).
Cần được quan tâm đúng mức
- Thực tế cho thấy, sau thời gian dài học trực tuyến, học sinh, sinh viên gặp một số vấn đề về tâm lý. TS nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Bối cảnh của đại dịch Covid-19, trong đó có việc phải giãn cách xã hội và học trực tuyến ảnh hưởng nhất định đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, đời sống tâm lý của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, bối cảnh Covid-19 chỉ là yếu tố ảnh hưởng, làm kích hoạt những khó khăn nội tại, sẵn có của trẻ em và học sinh đã tồn tại trước đó.
Các vấn đề tâm lý hay sức khỏe tâm thần của các em có thể bị ảnh hưởng một cách lâu dài từ nhiều yếu tố khác. Đó có thể là những khó khăn nội tại như rối loạn phát triển thần kinh, khó khăn về chức năng nhận thức, lòng tự trọng kém… đến các khủng hoảng từ môi trường xã hội mang lại: Bạo lực hay chứng kiến bạo lực của cha mẹ, phong cách giáo dục của cha mẹ, bị bỏ bê bởi cha mẹ, sự kỳ vọng của cha mẹ, phương pháp dạy học hay đánh giá của thầy cô giáo, bị bắt nạt bởi bạn cùng lứa, ảnh hưởng từ các hoạt động trực tuyến…
- Trong bối cảnh mới, công tác tư vấn tâm lý học đường cần có sự đổi mới để thích ứng?
- Tôi cho rằng, không chỉ trong bối cảnh hiện nay, mà trong bất cứ thời điểm nào, công tác tâm lý trường học phải luôn được quan tâm mạnh mẽ và đúng mức. Tâm lý trường học không chỉ là việc can thiệp (tham vấn hay trị liệu) cho học sinh và các thành viên trong nhà trường có các vấn đề sức khỏe tâm thần. Mục tiêu của tâm lý trường học là giúp học sinh khỏe mạnh, hạnh phúc và thăng tiến trong bối cảnh trường học thông qua các dịch vụ đa dạng trên nền tảng của chuyên ngành, đạo đức và bối cảnh văn hóa, chính sách phù hợp.
Vì thế, việc xây dựng chính sách, hoạt động dịch vụ tâm lý trường học phải là công việc của toàn trường, của lãnh đạo, giáo viên, phụ huynh và các thành viên khác. Cùng với đó, người đề xuất kế hoạch, chiến lược phải là một nhà tâm lý trường học được đào tạo chuyên nghiệp, đủ năng lực. Tôi lấy ví dụ, có khoảng 5 - 8% trẻ em hiện nay có các rối loạn chuyên biệt học đường nhưng đều bị giáo viên và phụ huynh đánh giá là ngu, dốt, lười học…
Những học sinh này không được xem xét như những khó khăn nội tại của các em và không có chiến lược hỗ trợ can thiệp. Điều này do thiếu kiến thức, hiểu biết và thiếu người có chuyên môn sâu lượng giá, can thiệp. Hay có những học sinh có ý định tự sát được biểu hiện ra bên ngoài bằng cảm xúc và hành vi từ nhiều ngày, tháng trước đó nhưng không ai nhận ra để có thể có chiến lược hỗ trợ và can thiệp kịp thời…
Nhu cầu ngày càng cao
- Hiện, nhu cầu về tư vấn tâm lý ngày càng cao, song dường như ngành học này vẫn khó thu hút để tuyển sinh. TS nghĩ sao về nhận định này?
- Tôi cho rằng, nhu cầu về các dịch vụ tâm lý nói chung chứ không chỉ là tâm lý trường học đang ngày càng quan trọng trong xã hội hiện đại. Có nhiều dịch vụ tâm lý như: Tâm lý học sức khỏe, tâm lý học giáo dục, tâm lý học tổ chức - công nghiệp, tâm lý học lâm sàng, tham vấn tâm lý… Tuy nhiên, những người thực sự tìm đến các dịch vụ tâm lý tại Việt Nam thì chưa nhiều. Điều này bởi văn hóa sử dụng dịch vụ, do điều kiện tài chính và cả năng lực cung cấp dịch vụ tâm lý của các nhà chuyên môn.
Chính vì nhu cầu về tham vấn tâm lý hay tâm lý lâm sàng ngày càng cao, do vậy, học sinh theo học ngành tâm lý ngày càng nhiều. Cả nước có nhiều trường đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ ngành tâm lý và có hàng nghìn sinh viên theo học hàng năm. Tuy vậy, chất lượng đào tạo lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người học và xã hội. Điều này dẫn tới năng lực của các nhà chuyên môn chưa thể đáp ứng được dịch vụ chuyên nghiệp như các nước phát triển.
Việc đào tạo chưa đảm bảo chất lượng một phần do năng lực chuyên môn của các giảng viên tham gia chương trình đào tạo, họ ít có các nghiên cứu chuyên sâu và thiếu năng lực thực hành. Trong khi đó, đào tạo một nhà tâm lý đòi hỏi phải có đủ năng lực mới cung cấp được dịch vụ, phải có đạo đức nghề nghiệp và được giám sát lâm sàng liên tục, lâu dài. Ngoài ra, các cơ sở thực hành cũng còn thiếu và yếu dẫn tới mô hình đào tạo thực hành chưa thể đáp ứng được chất lượng như kỳ vọng.
- Liệu đây có phải là cơ hội để phát triển đào tạo ngành tâm lý học trong các cơ sở giáo dục đại học?
- Điều này là hoàn toàn chính xác. Vì thế, nhiều đại học nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu mở ngành đào tạo chương trình tâm lý học. Tuy nhiên, họ mới chỉ đào tạo bậc cử nhân và cơ bản, chưa đi sâu vào đào tạo chuyên ngành hẹp như: Các ngành tâm lý lâm sàng, tham vấn, tâm lý học tổ chức công nghiệp… Việc không thể đi sâu vào chuyên ngành hẹp vì thiếu chuyên gia, thiếu cơ sở thực hành và phát triển nghề nghiệp (hội nghề nghiệp, yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, vị trí việc làm…) tại Việt Nam.
Tôi cho rằng, học tâm lý học không có nghĩa là trở thành một nhà tâm lý, nghĩa là một người thực hành và theo đuổi nghề nghiệp chuyên nghiệp, mà có thể sử dụng các kiến thức tâm lý ứng dụng vào các lĩnh vực ngành nghề mình theo đuổi như: Nhà báo, lập trình, quản trị kinh doanh, bán hàng, nghiên cứu thị trường, dạy học… Chỉ những người theo học sau đại học theo ngành hẹp và được giám sát mới có thể bảo đảm đủ năng lực thực hành nghề nghiệp như một nhà chuyên môn được.
- Xin cảm ơn TS!