• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc tế hóa giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động chất lượng cao

Quốc tế hóa giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường lao động chất lượng cao trước tình hình phát triển nhanh như hiện nay.

Ông Jesus Lavina-Tham tán, Phó Trưởng ban Hợp tác phát triển EU phát biểu trực tuyến (Ảnh Đ.Minh)
Ông Jesus Lavina, Tham tán, Phó Trưởng ban Hợp tác phát triển EU phát biểu trực tuyến tại hội thảo (Ảnh Đ.Minh)

Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức “Hội thảo quốc tế hoá giáo dục Đại học và kết nối các trường Đại học Á - Âu”, nằm trong khuôn khổ Dự án quốc tế trực tuyến không biên giới (HARMONY).

Được biết, dự án do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ nhằm nâng cao năng lực hội nhập và quốc tế hóa giáo dục đại học (ĐH) của mạng lưới các thành viên góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Erasmus+ kết nối các quốc gia Châu Á với Châu Âu.

Tham dự có ngài Jesus Lavina, Tham tán, Phó Trưởng Ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn EU tại Việt Nam; GS Laurent Sermet-Giám đốc Vùng Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các trường ĐH là thành viên của Dự án HARMONY.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh Quốc tế hóa giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học (Ảnh Đ.Minh)
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh Quốc tế hóa giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học (Ảnh Đ.Minh)

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, cho biết ĐH Đà Nẵng là thành viên nòng cốt của Dự án HARMONY và các dự án trong khuôn khổ Chương trình ERAMUS+ được EU tài trợ, đã đóng góp, thể hiện vai trò tích cực góp phần hoàn thiện chiến lược, chính sách phát triển; Nâng cao năng lực, tiềm lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên. Qua đó, dự án cùng mạng lưới các thành viên chung tay thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa, kết nối, hội nhập giáo dục ĐH Á - Âu.

Hội thảo diễn ra các phiên thảo luận về quốc tế hoá giáo dục đại học, kinh nghiệm từ ĐH Đà Nẵng (Việt Nam) và ĐH Zaragora (Tây Ban Nha); Kinh nghiệm thực tiễn của ĐH Mykolas Romeris (Lithuania); Giao lưu sinh viên quốc tế (Friends Teahouse) và Cuộc thi sáng tạo video ngắn (Digital Storytelling) dành cho sinh viên (ĐH Quản lý Varna, Bulgaria); Quốc tế hóa từ thực tiễn các trường ĐH Ấn Độ; Công tác quản lý hợp tác quốc tế tại ĐH Đà Nẵng.

Tiến sĩ Rafael de Miguel González - điều phối viên Dự án HARMONY cho biết, hội thảo lần này sẽ là cơ hội để các tổ chức, các trường ĐH, nhất là các đối tác trong mạng lưới thành viên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để hợp tác, thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa giáo dục ĐH và hội nhập, kết nối các ĐH Á - Âu.

Ký kết hợp tác giữa lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và ĐH Zaragora (Tây Ban Nha) với MOU (Ảnh Đ.Minh)
Lễ ký kết hợp tác giữa lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và ĐH Zaragora (Tây Ban Nha) Ảnh Đ.Minh)

Trong khuôn khổ hội thảo, ĐH Đà Nẵng (Việt Nam) ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các ĐH Zaragoza (Tây Ban Nha) và ĐH Mykolas Romeris (Lithuania), tạo cơ sở phát triển các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên và phối hợp triển khai các dự án quốc tế. Đây là một trong những mục tiêu, định hướng của Dự án HARMONY góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng trọng điểm, đa lĩnh vực với truyền thống gần 30 năm hình thành, phát triển từ bề dày gần 50 năm lịch sử. Trường đã và đang đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng như cả nước.

Bên cạnh đó, giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực then chốt cho thị trường lao động; Quốc tế hóa giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo ra những công dân toàn cầu và thu hút học sinh, sinh viên quốc tế học tập tại Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan