• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ sinh vượt lên sự tự ti, bước vào giảng đường đại học

Nữ sinh Bắc Giang vượt qua số phận chứng tỏ bản thân qua thành tích học tập đáng nể, tự tin bước chân vào đại học...

Ngô Thị Thanh Lan (ở Yên Phong, Bắc Ninh) đã chứng tỏ nghị lực và tinh thần nỗ lực vượt khó qua thành tích học tập đáng nể.
Ngô Thị Thanh Lan (ở Yên Phong, Bắc Ninh) đã chứng tỏ nghị lực và tinh thần nỗ lực vượt khó qua thành tích học tập đáng nể.
 

Từ một nữ sinh mắc dị tật bẩm sinh, vượt qua những lời đàm tiếu về ngoại hình, Ngô Thị Thanh Lan (ở Yên Phong, Bắc Ninh) đã chứng tỏ bản thân qua thành tích học tập đáng nể, tự tin bước chân vào đại học.

Vượt qua tuổi thơ “sóng gió”

Ngô Thị Thanh Lan sinh ra không được bình thường như chúng bạn, em mắc dị tật hở hàm ếch từ khi lọt lòng. Tưởng rằng đó là bất hạnh nhất cuộc đời em nhưng đến khi 3 tháng tuổi, biến cố khác lại ập tới. Trong một đêm mưa, em bị chính người cha đẻ bị bệnh tâm thần mang đi thả trôi sông. Dân làng phát hiện, kịp cứu vớt đưa em về trao lại cho người mẹ.

Thương con, bà Trần Thị Mẫn phải vay mượn tứ tung để đưa con đi bệnh viện; tận tâm, tận lực chăm con sau cuộc phẫu thuật nhưng cũng chỉ… được phần nào. Với nhân dạng đặc biệt, chưa được chữa trị dứt điểm, cô bé Thanh Lan vẫn phải chịu không ít lời đàm tiếu từ xóm làng với những ác từ “mặt quỷ”, “Lan sứt môi”...

“Ai mà chẳng muốn mình được cha mẹ sinh ra với nụ cười trọn vẹn, tươi tắn. Vậy nhưng sự may mắn đó đã không dành cho tôi. Lúc đi học, tôi phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Tôi thường bị bạn bè trêu chọc là “Lan sứt môi”. Để quên đi tự ti, tôi ý thức rằng phải chấp nhận khuyết điểm, tìm ra điểm mạnh từ khác biệt của bản thân mình để vượt lên” - Lan tâm sự.

Vì ngoại hình không giống ai, ít bạn bè thân thiết, gần gũi, Lan dần sống thu mình, không dám cởi mở hòa nhập, cô học trò nhỏ dành cả tuổi thơ để phấn đấu, vươn lên học tập, vì em biết chỉ có học thật giỏi mới giúp bản thân thay đổi cuộc đời.

Sau nhiều nỗ lực, nhất là với môn Hóa học, Lan đỗ vào lớp chọn của trường THCS, rồi đậu vào THPT Yên Phong số 1. Thế rồi, có những nhà hảo tâm biết hoàn cảnh của em đã nhiệt tình hỗ trợ chi phí phẫu thuật dị tật sứt môi hở hàm ếch. Qua 5 lần phẫu thuật đóng khe hở môi, nhổ răng, ghép xương, chỉnh hình mũi, khuôn mặt dị thường năm nào dần mất đi, đem lại cho cô bé một gương mặt nhẹ nhõm, ưa nhìn hơn.

Sau mỗi lần phẫu thuật, khi sức khỏe dần hồi phục, Lan lại ra sức học hành để không phụ lòng mọi người. Mỗi khi gặp bài tập khó hay kiến thức mới, chưa hiểu ở đâu, cô gái quê Bắc Ninh này đều ghi chú lại, gặp thầy nhờ giảng lại cặn kẽ cho đến khi nắm được bản chất, không để bỏ lại sau chúng bạn. Nhờ sự ham học và tinh thần quyết tâm cao, Lan xuất sắc thi đỗ vào Học viện Ngân hàng.

nu-sinh-vuot-len-su-tu-ti-buoc-vao-giang-duong-dai-hoc-2-6125.jpg

Cô Nguyễn Thị Như Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Phong số 1 trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ.

Học giỏi để báo đáp tình mẹ và thầy cô

Trước giờ tiễn con lên trường, bà Trần Thị Mẫn chỉ biết động viên con cố gắng học hành, nỗ lực vươn lên để tự thay đổi cuộc đời, đừng để cái nghèo ngáng đường khiến mình gục ngã. “Khi sinh con ra, tôi đã tự hứa mình phải chịu mọi khó khăn, vất vả miễn sao nuôi dưỡng con trưởng thành, vượt lên trong cuộc sống.

Tôi luôn nói với con, mẹ gắng sức vì con cả cuộc đời, làm tất cả để có học phí cho cả ba chị em được đi học. Mẹ chỉ mong con học thành tài, đi làm tự nuôi sống bản thân, không phải lo cho mẹ. Khi cháu đỗ đại học, tôi mừng lắm vì những năm tháng tận tụy vì con cuối cùng đã được đền đáp” - bà Mẫn bộc bạch.

Một người hàng xóm của Lan chia sẻ: Bà Mẫn (mẹ Lan) ở nhà, ai thuê gì bà làm nấy, từ phụ việc nhóm nấu cỗ cho tới nhặt nhạnh gom bán ve chai. Nhà không có ruộng nên bà Mẫn cất công thuyết phục người bỏ ruộng cho mượn đất trồng lúa, kiếm đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Chồng bị tâm thần, vẫn phải uống thuốc hằng ngày, nên mọi gánh nặng kinh tế đặt lên vai người phụ nữ chăm chỉ này.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Như Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Phong số 1 cho biết, những năm qua, nhà trường khởi xướng phong trào thi đua học tập và lọt vào trong những trường tốp đầu của huyện Yên Phong. Kết quả đạt được nhờ ý thức trách nhiệm, cố gắng vươn lên trong học tập của học sinh, sự tận tình chỉ bảo, hỗ trợ của thầy cô và quan tâm, ủng hộ của phụ huynh học sinh.

nu-sinh-vuot-len-su-tu-ti-buoc-vao-giang-duong-dai-hoc-3.jpg

Thầy Nguyễn Khắc Công - giáo viên Trường THPT Yên Phong số 1 chia sẻ về cô học trò Ngô Thị Thanh Lan.

Năm học 2023 - 2024, nhà trường có kết quả thi đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Số trúng tuyển các trường đại học lên tới 80 - 90%. Cũng trong năm học này, số lượt sinh khối A đỗ đại học đứng nhì tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, có trường hợp đặc biệt là em Ngô Thị Thanh Lan đỗ Học viện Ngân hàng với kết quả cao.

Còn thầy Nguyễn Khắc Công - Trường THPT Yên Phong số 1 - giáo viên chủ nhiệm của Ngô Thị Thanh Lan nhận xét em là một học sinh giỏi toàn diện, đều các môn song nổi trội nhất là các môn tự nhiên trong đó có Hoá học.

“Tôi còn nhớ, dù phải trải qua các cuộc phẫu thuật nhiều lần phải nghỉ học khá dài, em Lan vẫn nhờ các bạn gửi bài vở để học bù, tự học để theo sát kiến thức trên lớp. Khi đi học lại, chỗ nào không hiểu, em nhờ thầy cô giảng lại chứ không chịu vin vào việc điều trị chịu để hổng kiến thức”, thầy Công chia sẻ.

Là người định hướng nghề nghiệp và hướng đi tương lai cho học trò, thầy Nguyễn Khắc Công động viên Lan bằng mọi giá phải theo học đại học, có kiến thức vững chắc thì sẽ có cơ hội việc làm và ở đâu cũng có thể phát triển tốt. Dựa vào đặc điểm, tính cách kết hợp nguyện vọng cá nhân và phụ huynh, thầy Công gợi ý, định hướng Lan học khối ngành tài chính, ngân hàng để phát triển bản thân tốt hơn.

Như bao thầy cô khác, thầy Công cũng ngóng kết quả thi THPT từng ngày. Trong lớp, ngoài Lan còn có một bạn khác hoàn cảnh khó khăn. “Khi biết em giành được điểm cao, không chỉ tôi mà toàn trường đều vui mừng, hạnh phúc”, thầy Công xúc động nói.

Thầy Công nhấn mạnh, tấm gương của Lan là niềm tự hào của thầy, trò các thế hệ nhà trường và lan tỏa về tinh thần, nghị lực học tập cho học sinh đất Kinh Bắc hiếu học. “Truyền thống hiếu học kết đọng từ ngàn đời ấy đã thấm lặn vào trong nếp ăn ở, nếp tư duy, ứng xử và đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của người Kinh Bắc. Bước vào thời kỳ đổi mới thế hệ trẻ Bắc Ninh tiếp tục giữ mạch truyền thống hiếu học của miền quê quan họ để mang về nhiều thành công cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước…” - thầy Công tin tưởng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật