• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà giáo cùng lan tỏa sự tích cực, ấm áp của ngành giáo dục

Với giáo dục vùng khó, thách thức là vượt qua cái khó. Với Hà Nội, thách thức là hướng đến chất lượng và sự phát triển.

Tại Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2023 kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dành cho cán bộ, giáo viên và ngành Giáo dục Thủ đô nhiều lời chia sẻ tâm huyết, giá trị.

Sự nghiệp giáo dục nhiệm vụ vinh quang và lớn lao những cũng đầy khó khăn, thách thức. Mỗi thầy cô giáo làm tốt phần việc của mình tức là góp phần giúp sự nghiệp giáo dục tốt hơn.

Nhà giáo cùng lan tỏa sự tích cực, ấm áp của ngành giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ tuyên dương

Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ lời cảm ơn, ghi nhận những công lao, đóng góp đáng quý của các thầy cô.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng gửi đến lãnh đạo thành phố Hà Nội lời cảm ơn sâu sắc vì đã dành sự quan tâm rất đặc biệt đến giáo dục; chúc mừng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và toàn ngành bởi những kết quả to lớn đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Vươn lên tầm cao cũng đầy nghiệt ngã

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong giáo dục, vượt khó rất nghiệt ngã, phát triển vươn lên tầm cao cũng vậy.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc đến các nhà giáo Thủ đô và cả nước sức khỏe, nhiều niềm vui trong nghề nghiệp và ngày càng yêu nghề, yêu đời và được đời yêu nhiều hơn.

Giáo dục Hà Nội có quy mô lớn, số lượng cơ sở giáo dục đứng hàng đầu cả nước. Đây là nơi mà giáo dục được kỳ vọng chất lượng và phát triển tốt nhất, mẫu mực trong cả nước. Hà Nội cũng là nơi cả nước nhìn vào vì thế ngành giáo dục Thủ đô đầy thách thức. Bên cạnh đó, cơ hội của giáo dục Hà Nội là nhận được nhiều quan tâm; là trung tâm văn hóa cả nước, nơi tập trung hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia đầu ngành, cơ hội hợp tác quốc tế và nhiều nhân tố khác…

“Chúng ta tận dụng được các điều kiện thuận lợi, phát huy truyền thống và có cách đi phù hợp sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Thực tế, thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố Hà Nội đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp”, Bộ trưởng ghi nhận.

Nhắn gửi đến những nhà giáo tiêu biểu được vinh danh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, những điều thầy cô làm được rất đáng quý. Đặc biệt, đáng quý hơn trong thời kỳ chúng ta thực hiện đổi mới lĩnh vực giáo dục đầy khó khăn.

Nhà giáo cùng lan tỏa sự tích cực, ấm áp của ngành giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao tặng Huân chương Lao động tới tập thể có thành tích xuất sắc

Người thầy là tâm điểm thúc đẩy sự đổi mới

Hiện nay, trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, người thầy chính là tâm điểm để thúc đẩy đổi mới. Sự đổi mới của người thầy đạt được đến đâu, đó chính là giới hạn của sự đổi mới. Người thầy không vượt lên được chính mình, không đổi mới được chính mình thì không kỳ vọng đổi mới trong dạy học và các kết quả khác.

Theo Bộ trưởng, mô hình người thầy “biết 10 dạy 1” đang dần chuyển sang mô hình nhà giáo mới là những người biết cách tổ chức, dẫn dắt, định hướng, tổ chức cho học trò.

Đó là những người vẫn cần kiến thức nền tảng chắc chắn và uyên bác nhưng biết cách dẫn dắt học trò không ngừng thích nghi và tích lũy kiến thức không giới hạn.

“Phương pháp đổi mới, tâm thế nhà giáo cần đổi mới. Phẩm chất, năng lực học trò có được trước hết từ đổi mới nâng cao phẩm chất, năng lực của người thầy. Chúng ta đòi hỏi giáo dục tạo phẩm chất mới cho học trò nhưng sẽ không có được nếu năng lực, phẩm chất nhà giáo không thay đổi”, Bộ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh từ khóa “lan tỏa”, Bộ trưởng cho rằng, những người tiên tiến không chỉ làm tốt cho mình mà quan trọng là lan tỏa, hỗ trợ người khác, đồng nghiệp, ngôi trường của mình và cả những ngôi trường khác. Nhà giáo cần lan tỏa điều mình đã trải nghiệm, đã tâm đắc, đổi mới được; cần lan tỏa cả cái mới, tích cực và ấm áp của ngành giáo dục. Một nền giáo dục đang hình thành giá trị mới cần củng cố hình ảnh của nhà giáo.

“Không tự nhiên mà xã hội thay đổi để tôn kính chúng ta hơn. Nghề nghiệp của chúng ta không tự tôn cao hơn nếu chúng ta không tự tôn cao chính mình. Tình yêu thương không bao giờ là đủ, nghiệp vụ luôn đổi mới, nhà giáo cần phải đi theo. Chúng ta cần phải làm một việc rất lớn là làm xã hội hiểu chúng ta hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng mong mỏi các nhà giáo với trí tuệ, tình yêu nghề; là lực lượng đông đảo từng bước tự mình làm cho hình ảnh của người thầy ngày càng cao quý, càng được tôn vinh.

Đồng thời. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong mỏi, nhà giáo Thủ đô không chỉ là những người chuẩn mực mà cần phấn đấu là những người mẫu mực. Thủ đô cần dẫn dắt cả nước, nhà giáo Thủ đô cũng phải lan tỏa, dẫn dắt cho cả nước.

Bộ GD&ĐT với trách nhiệm của mình đã và đang không ngừng kiến nghị để Đảng, Chính phủ thấu hiểu hơn và thực tế đang dần có thêm chính sách để đời sống nhà giáo được tốt hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật