• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa chọn ngành, nghề

Thời điểm này, học sinh lớp 12 bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới đây. Câu chuyện lựa chọn ngành học đang nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12.

Có nên chọn nghề theo đám đông?

Đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Không chỉ vậy, những ảnh hưởng của nó đến thị trường lao động khi hàng loạt ngành nghề lao động không có việc làm cũng tác động đến xu hướng chọn ngành, nghề của học sinh.

Việc chọn một ngành nghề vừa phù hợp với bản thân vừa không bị thất nghiệp là điều không dễ. Chính vì vậy, ngay trong giai đoạn quan trọng này, học sinh lớp 12 rất cần sự định hướng, phân tích thông tin ngành, nghề từ nhà trường và gia đình để có những lựa chọn đúng đắn hơn về nghề nghiệp.

Học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa chọn ngành, nghề

Học sinh lớp 12 đang băn khoăn trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề

Theo đánh giá từ nhiều lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, mặc dù công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp đã được các trường quan tâm, triển khai định kỳ, thường xuyên nhưng đến nay vẫn còn nhiều học sinh mơ hồ, thậm chí là hoang mang khi không biết lựa chọn ngành nghề gì sau khi tốt nghiệp THPT. Thực tế từ rất nhiều mùa tuyển sinh cho thấy, việc chọn ngành nghề của học sinh theo xu hướng đám đông vẫn còn.

Chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12, Nguyễn Thị Hà My (lớp 12 trường THPT Ngô Gia Tự, quận Hà Đông, Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến xu hướng chọn ngành, nghề năm nay. Hà My nhận được nhiều lời khuyên như nên chọn ngành Du lịch vì xu hướng hồi phục của ngành này sau đại dịch được dự báo khá khả quan. Trong khi đó, bố mẹ em lại muốn em lựa chọn học ngành Kế toán vì thu nhập cao, là nghề “hot”.

Cũng như Hà My, Trần Khôi Minh (học sinh trường THPT Nguyễn Trãi) hiện đang quan tâm tìm hiểu những ngành học có cơ hội tìm được việc làm nhanh chóng sau khi tốt nghiệp, có thu nhập cao…

Xác định rõ sở trường, năng lực để chọn nghề

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong xã hội ngày nay, có không ít người làm công việc không đúng với ngành mình đã từng theo học. Tại các trường đại học, cao đẳng, trong quá trình đào tạo, nhiều sinh viên đã chọn không đúng ngành nghề, sau khi vào học thấy không phù hợp, lại rẽ sang học ngành khác.

Theo giáo viên một trường THPT ở Hà Nội, với sự chuẩn bị chu đáo trong công tác tuyển sinh từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, xu thế lựa chọn ngành nghề hiện nay đã có nhiều tiến bộ hơn trước. Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, đa phần học sinh lớp 12 đã biết quan tâm chọn ngành nghề để không bị thất nghiệp, chọn trường uy tín, học phí phù hợp với kinh tế gia đình…

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết để chọn một nghề nghiệp phù hợp với bản thân là học sinh cần phải phân tích, dựa vào các yếu tố như đam mê, sở thích, năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.

Ngay từ bây giờ, học sinh cần xác định rõ sở trường, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình để chọn cho bản thân ngành nghề theo học phù hợp. Cùng với đó, sự định hướng ngành nghề từ phía nhà trường và gia đình cũng rất cần thiết cho học sinh hiện nay.

Học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề

Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, đa phần học sinh lớp 12 đã biết quan tâm chọn ngành nghề để không bị thất nghiệp (Ảnh minh họa)

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, trong quá trình hướng nghiệp có thể nhận thấy học sinh bắt đầu quan tâm nhiều về vấn đề nguồn nhân lực.

“Nhiều học sinh chia sẻ khi gặp chuyên gia từ trường đại học thì khuyên nên học đại học vì bằng cấp cao, ra trường lương cao. Khi gặp chuyên gia bên cao đẳng thì học sinh được khuyên nên học cao đẳng vì thời gian ngắn, ra trường dễ có việc làm; Bên trường trung cấp thì kêu không nên học đại học, cao đẳng vì thời gian học dài mà dễ thất nghiệp.

Ở góc độ nghiên cứu nguồn nhân lực, tôi cho rằng cả 3 ý kiến trên đều sai. Bởi các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đang vận hành trong thị trường lao động đều đáp ứng những nhu cầu nhất định. Thực tế, cấp bậc nào cũng có người có việc làm và người thất nghiệp, nếu học không đến nơi đến chốn, học chủ quan mơ hồ thì đều có thể thất nghiệp”, ông Tuấn cho biết.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, học sinh phải xác định bậc học dựa vào năng lực, điều kiện mỗi người. Có người có năng lực về tư duy, phán đoán, tiếp cận các lĩnh vực khoa học công nghệ, có khả năng độc lập thì phù hợp học đại học.

Những người có năng lực thực hành, tổ chức thực hành và có thể lãnh đạo nhóm thì phù hợp cao đẳng. Những người chuyên môn giỏi, làm việc trong dây chuyền phối hợp, ứng dụng kỹ thuật vào các công việc chi tiết sẽ phù hợp bậc trung cấp, sơ cấp.

“Không có cấp bậc nào sang hay hèn. Không có ngành nghề nào “hot” hơn ngành nghề nào. Đặc biệt với thị trường lao động hiện nay, giá trị hành nghề là quan trọng nhất. Ai nắm được giá trị hành nghề thì ở cấp bậc nào cũng thành công. Khi thành công, các em phải biết hoàn thiện, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan