• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỗ trợ học sinh chọn nghề phù hợp: Thước đo là thị trường lao động

Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường, tránh lãng phí nguồn nhân lực sau đào tạo.

Tìm hiểu thị trường lao động

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực cho biết: Tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông có vai trò quan trọng, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời xã hội có cơ cấu nguồn nhân lực ổn định.

Do đó, điều học sinh và phụ huynh quan tâm là sau khi học ngành nghề đó có việc làm ổn định không, cơ hội nghề nghiệp, phát triển thế nào. Và số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, đáp ứng thị trường lao động luôn là tiêu chí quan trọng giúp học sinh, phụ huynh lựa chọn nghề, trường.

Thống kê của năm 2020, tốp lĩnh vực, ngành đào tạo có sinh viên tốt nghiệp từ 10.000 người trở lên là: Kinh doanh và quản lý (60.000); Sức khỏe (22.000); Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (21.000); Công nghệ kỹ thuật (19.000); Nhân văn (16.500); Khối kỹ thuật (14.400); Khoa học xã hội và hành vi (13.900); Kiến trúc và xây dựng (12.000); Máy tính và công nghệ thông tin (11.900); Pháp luật (11.800).

Bên cạnh đó, theo thống kê từ năm 2018 - 2020, có 10 nhóm ngành luôn đứng đầu về số lượng đào tạo và lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm. Đó là: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn; Khoa học xã hội hành vi; Kinh doanh và quản lý; Pháp luật; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Kiến trúc và xây dựng; Sức khỏe.

Thông tin về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, ông Bùi Văn Linh chia sẻ: Số liệu thống kê năm 2020, chia thành 4 nhóm. Đầu tiên là các nhóm ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao, đạt trên 85%. Cụ thể, ngành Dịch vụ vận tải đạt 89,2% sinh viên tốt nghiệp có việc làm; ngành Nghệ thuật đạt 85,4%; ngành Thú y đạt 85,2%. Tuy nhiên, nhóm ngành này có số lượng sinh viên tốt nghiệp không cao.

Nhóm tiếp theo ở mức khá với tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 1 năm đạt từ 75 - 85%. Đó là ngành Kiến trúc và xây dựng đạt 79,6%, Sản xuất và chế biến đạt 79,5%, Toán thống kê đạt 77,7%, Sức khỏe đạt 66,7%, Nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 75,8%, Khoa học sự sống 75,6%.

Nhóm trung bình đạt từ 70 đến dưới 75%: Khoa học  giáo dục đào tạo giáo viên đạt 74,5%, Nhân văn đạt 74,7%, Kỹ thuật đạt 74,1%, Công nghệ kỹ thuật đạt 73,4%, Máy tính và công nghệ thông tin đạt 73,6%.

Nhóm 4 có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức thấp (dưới 70%): Dịch vụ xã hội đạt 56,3%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 59,9%; Pháp luật đạt 64,9%; Kinh doanh quản lý đạt 68,8%, Khoa học xã hội và hành vi đạt 69,2%.

Thông tin tuyển sinh rất hữu ích giúp học sinh lựa chọn ngành nghề.

Chọn nghề “hot” cho riêng mình

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, việc xác định được nhóm ngành nghề có phù hợp với năng lực sở trường của mình không hết sức quan trọng. Bởi các ngành nghề có thể là “hot” trong xã hội, được nhiều người lựa chọn theo học, nhưng đối với một số học sinh lại không phù hợp với năng lực, sở trường.

Tiêu chí về thị trường lao động của nhóm ngành nghề là yếu tố quan trọng học sinh cần tham khảo. Tuy nhiên, nhiều em chăm chú vào độ “hot” của ngành nghề mà quên mất điều quan trọng là năng lực sở trường có phù hợp hay không. Chọn sai ngành nghề, các em có thể trở thành tân sinh viên nhưng chưa chắc đã học tốt, không có đam mê học tập. Hoặc nếu các em tốt nghiệp ra trường cũng chưa chắc đã gắn bó với công việc, với nghề.

Lấy ví dụ về một sinh viên đã lựa chọn ngành Kế toán theo trào lưu của thị trường, tốt nghiệp loại giỏi nhưng sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp, em cảm thấy không phù hợp và mong muốn được theo học ngành nghề khác, TS Trần Đình Lý khẳng định: Ngành nghề có “hot” với mình không mới quan trọng, chứ không có ngành nào, nghề nào “hot” với tất cả thí sinh.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Chúng ta không biết được tương lai từ 5 - 10 năm tới như thế nào. Nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện.

Do đó, học sinh cần đối diện và thích ứng với sự thay đổi bằng việc có kế hoạch, định hướng tương lai nghề nghiệp. Khi chọn trường, các em phải hướng tới thị trường lao động 5 - 7 năm tới.

PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra 5 nguyên tắc chọn nghề: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích; Không chọn nghề không đủ điều kiện đáp ứng; Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề; Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng.

Khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào. Khi đã biết thiên hướng bản thân, chọn được ngành, học sinh mới bắt đầu chọn trường và cân nhắc các tiêu chí khác như mức độ uy tín, cơ sở vật chất, học phí, khu vực địa lý, điều kiện tuyển sinh và mô hình đào tạo của trường.

Theo ông Linh, thực trạng tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp đã phản ánh một số ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu hiện nay, cũng như uy tín của các cơ sở đào tạo nhằm giúp học sinh lớp 12 lựa chọn ngành nghề phù hợp trước kỳ tuyển sinh đại học sắp tới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật