Giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới phương thức đào tạo
Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp năm 2022 phải linh hoạt, thích ứng với tình hình mới nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu, chất lượng lao động.
Linh hoạt thích ứng với tình hình mới
Theo báo cáo tổng kết, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động giáo dục nghề nghiệp vẫn được thực hiện, triển khai một cách linh hoạt. Nhờ đó, các chuỗi cung ứng nguồn nhân lực vẫn được duy trì và từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 2021 là năm vô cùng khó khăn, vấn đề lao động, an sinh xã hội đặt ra gánh nặng rất lớn cho cả nước. Tuy nhiên, nhìn lại năm qua, lĩnh vực lao động việc làm nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng vẫn có những bước phát triển, đóng góp không nhỏ vào an sinh xã hội.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý. Điều này đã đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp thích ứng với hoàn cảnh và thị trường.
“Trong quá trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đổi mới phương thức đào tạo từ một chiều, thủ công sang đào tạo trực tuyến, giảm tải lý thuyết. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mối liên kết với doanh nghiệp, mở đầu ra cho người học”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Ngoài linh hoạt trong đào tạo và tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp còn chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy tiến độ ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Phối hợp với ILO xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Chương IV Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia theo hướng hội nhập và tăng cường tính khả thi, hiệu quả.
Mạng lưới các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao đã từng bước được nâng cao năng lực. Đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm. Cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao.
Cần đổi mới phương thức đào tạo
Bên cạnh những việc đã làm được, công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước tuyển sinh được 1,9 triệu người, mới đạt 85,14% kế hoạch.
Nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp. Việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn.
Để khắc phục khó khăn trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định, năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động trên môi trường số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Điều này giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong đó chú trọng triển khai ở các trường chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm trên cả 4 nội dung. Đó là phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo. Bên cạnh đó là hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học. Đồng thời tăng cường quản lý số và quản trị số, kết nối thông tin hệ thống theo vùng, theo ngành, theo trình độ...
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, trước đây, công tác tuyển sinh hầu hết được thực hiện theo hình thức trực tiếp nhưng năm 2021, 80% các trường giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh trực tuyến và cho những kết quả khả quan. Chính vì vậy, trong thời gian tới, thực hiện tuyển sinh trực tuyến, sử dụng đa dạng các nền tảng xã hội để tuyển sinh là điều quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tập trung chuyển đổi số là việc hết sức đúng đắn. Nhất là khi giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt các cơ hội về cơ chế chính sách, thị trường lao động… “Chúng ta đang ở thời kỳ cuối của dân số vàng. Nếu không biết chớp thời cơ thì Việt Nam sẽ mất cơ hội trong nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi đây là thời cơ rất lớn. Nắm bắt được thời cơ về dân số vàng sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội, đổi mới được giáo dục nghề nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đầu tư cho thể chế, hoàn thiện toàn bộ nội dung thể chế. Đó là quy hoạch hệ thống, các kế hoạch chuyển đổi số, đầu tư về con người, cơ sở vật chất. Đi kèm với đó là chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thị trường.
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển. Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, phải lấy doanh nghiệp làm chính nhà trường đào tạo. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo theo thị trường để cung cầu gặp nhau. Muốn vậy phải chú trọng đến khâu đặt hàng nhưng quá trình đào tạo cũng cần chú trọng theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra.