CLB sản sinh ra nhiều "nhà khoa học" của Ams, từng gọi vốn thành công 100 triệu cho một chương trình
Đúng là CLB "nhà người ta" có khác nhỉ?
Một trong những CLB đình đám của Ams không thể không nhắc đến đó chính là Society of Open Science (SOS). Cho những ai chưa biết, đây là CLB khoa học được thành lập từ năm 2012 với mục đích ban đầu là nơi giao lưu học hỏi và thảo luận những kinh nghiệm tham gia các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ các thành viên câu lạc bộ tham gia các cuộc thi khoa học.
Sau 11 năm hoạt động và phát triển đến nay, SOS đã trở thành một trong những câu lạc bộ khoa học lớn của các bạn học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội và đã tổ chức được rất nhiều các sự kiện khoa học thành công với mục tiêu đemkhoa học đến gần hơn với cộng đồng.
SOS vốn là một CLB chuyên môn của Ams. Thường mọi người nghĩ CLB chuyên môn sẽ chỉ suốt ngày nghiên cứu, học tập cùng nhau. Nhưng không phải đâu nhé, các SOS-er không chỉ có những buổi trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm chinh chiến ở các cuộc thi quốc tế còn thường xuyên tổ chức các buổi off CLB, workshop... để các thành viên có thể học hỏi nữa.
Ngay từ khi vào CLB, các bạn đã được tham ra buổi first meeting cực ấm cúng giữa các "tiền bối" và "hậu bối": Tại đây, các bạn được "lăng xê" bản thân với anh chị khóa trên và cùng nhau đưa ra kế hoạch hoạt động và phát triển CLB trong năm học.
Tổ chức các buổi training cũng là điều mà CLB SOS quan tâm. Tại đây, các thành viên sẽ được rèn luyện và trau dồi cho các kĩ năng làm việc nhóm, tổ chức sự kiện và nâng cao kiến thức chuyên môn và kĩ năng theo từng phân ban như: Ban chuyên môn, ban media, ban tài chính, ban nội dung, ban PR, ban hậu cần... Đây quả thực là cơ hội để các thành viên thể hiện khả năng cũng như học hỏi và chia sẻ củachính bản thân mình trong quá trình hoạt động.
Có nhiều CLB được lập nên cho có, một kỳ chắc có khi họp được 1-2, như vậy không phát huy được hết ý nghĩa thực sự của CLB. Tuy nhiên, SOS lại tổ chức các buổi sinh hoạt định kì 2 lần mỗi tuần. Tại đây, các bạn sẽ được thực hành các thí nghiệm, mô hình khoa học theo từng chủ đề, tổ chức các hoạt động gắn kết các thành viên trong CLB, giúp đỡ, giải đáp các thắc mắc về các bộ môn khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên tham gia các kì thi IJSO, ISEF, HSGQG...
Ngoài ra, các thành viên còn có cơ hội đi thăm các viện, bảo tàng hoặc tham dự các triển lãm công nghệ ở trong nước và quốc tế để tiếp tục phát huy và học hỏi thêm nhiều thành tựu khoa học mới cũng như đổi mới cách tổ chức, tương tác hiệu quả hơn cho các sự kiện của CLB trong tương lai.
Có một điều đặc biệt là, dù đây là CLB thuộc trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tuy nhiên, các thành viên CLB lại được tuyển trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Chủ tịch CLB hiện là bạn Nguyễn Khắc Nhật Minh (12 Lý 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Ngoài ra có 3 bạn Phó tịch và các trưởng ban điều hành các ban, họ đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Từng "gọi vốn" thành công 100 triệu tiền tài trợ
Xuyên suốt quá trình hoạt động, SOS và các thành viên đã thành công tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện với quy mô lớn nhỏ về khoa học. Trong đó có thể kể đến Science Fair - triển lãm khoa học tương tác vào dịp Giáng sinh với trên 20 thí nghiệm khoa học được trưng bày và rất nhiều hoạt động teamwork thú vị với nhiều chủ đề khoa học xuyên suốt; Science Tour - một buổi giao lưu để truyền đi ngọn lửa đam mê khoa học dành cho các học sinh cấp 1, cấp 2 trên địa bàn Hà Nội; Science Workshop - lớp học khoa học tổ chức 4 buổi học dành cho 200 em nhỏ từ 8 - 13 tuổi tại Hà Nội được tổ chức vào tháng 6 tháng năm...
Thế nhưng, sự kiện mang tầm cỡ nhất của SOS phải là Science Tornado - một dạng hội chợ khoa học với nhiều chuỗi hoạt động khác nhau. Trải qua 9 năm tổ chức thành công với các chủ đề "Universe - Vũ trụ", "Evolution - Tiến hóa", "Substance - Chất", "Nova - Tân tinh", "V - Dấu ấn", "Odyssey - Khai phá"..., Science Tornado đã thu hút sự ủng hộ từ hàng ngàn các em, các bạn học sinh và các bậc phụ huynh. Năm nay, Science Tornado 2023 đã quay trở lại với mùa thứ 10 cùng chủ đề "X - Giới hạn", đánh dấu hành trình 10 năm ra đời và phát triển của Science Tornado.
Tại chương trình, không chỉ được chứng kiến những thí nghiệm khoa học thú vị, mà các bạn học sinh còn có thể tham gia điều khiển robot, lắp ráp các mô hình... Thông qua đây, Science Tornado muốn truyền tải thông điệp về tình yêu khoa học tới mọi người, tạo ra một sân chơi mới lạ giúp những ai có niềm đam mê với lĩnh vực này được giao lưu, học hỏi lẫn nhau và lan tỏa niềm đam mê ấy tới cộng đồng.
Vì đây là một sự kiện lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của hàng nghìn bạn trẻ, nên mọi công tác chuẩn bị đều vô cùng kỹ càng. Đầu tiên là về nhân lực, vì có nhiều đầu việc phải hoàn thành, nên SOS đã phải tuyển thêm các thành viên. Các bạn đăng bài tuyển thành viên, trải qua vòng đơn và vòng phỏng vấn để xem độ có phù hợp của các ứng viên với sự kiện hay không. Tính riêng năm nay, có rất nhiều bạn học sinh đến từ trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên Sư phạm, THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn... tham dự. Tính tổng lại, sự kiện Science Tornado 2023 vừa rồi có tất cả 150 bạn thuộc CLB và các tình nguyện viên.
Còn về kinh phí tổ chức của Science Tornado 2023, 100% đến từ các nhà tài trợ. Thành viên phụ trách sẽ đi tìm các nhà tài trợ phù hợp và ngỏ lời hợp tác, sau đó sẽ đàm phán về các quyền lợi nhà tài trợ để thuyết phục họ rút gói đầu tư. Cụ thể, Science Tornado 2023 được tài trợ 90 triệu, còn Science tornado 2021, SOS từng gọi vốn thành công 100 triệu. Một con số không nhỏ với một chương trình do học sinh cấp 3 tổ chức.