Chọn ngành học trước, sau mới chọn trường
Đa số các bạn “2k5”, học sinh cuối cấp 3 năm nay băn khoăn không biết nên chọn ngành học trước hay chọn trường khi đăng ký nguyện vọng vào đại học. Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề.
Nỗi niềm “2k5”
Theo Nguyễn Hồng Ngọc, học sinh trường THPT Thanh Oai A, Hà Nội, trước thềm tuyển sinh năm 2023, không chỉ nữ sinh này mà nhiều học sinh lớp 12 đang rất băn khoăn chọn trường top hay ngành học tiềm năng. Hồng Ngọc nghe nhiều người tư vấn nhưng vẫn cảm thấy phân vân, mơ hồ trước sự lựa chọn này. Cô học trò chia sẻ: “Em chưa vội quyết định chọn trường vì cần bước qua kỳ thi tốt nghiệp THPT trước, nên cứ đến đâu tính đến đó. Tuy nhiên, em rất muốn được học đại học ở một trường danh tiếng, với ngành học nhiều tiềm năng, có việc làm ngay sau khi ra trường”.
Nữ sinh cho rằng, quyết định lớn đầu tiên của những người mới bước vào ngưỡng cửa trưởng thành là chọn ngành và trường đại học. Đây là một bước ngoặt quyết định tương lai, vì thế Hồng Ngọc ý thức việc cẩn trọng để đưa ra quyết định của mình. Nữ sinh rất ấn tượng với ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Hà Nội nhưng sợ bản thân không đủ khả năng. Theo cô, ngành học đó rất tiềm năng, đồng thời, ngôi trường này cũng là một trong những trường top tại Hà Nội.
Học sinh Hà Nội được tư vấn, hướng nghiệp |
Dù được thầy cô tư vấn hướng nghiệp nhưng Nguyễn Ngọc Huyền, trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội vẫn đang phân vân chưa biết chọn trường trước hay ngành học trước. Nhiều gạch đầu dòng được Ngọc Huyền ghi ra khi bắt đầu hành trình lựa chọn kèm theo những mong mỏi, kỳ vọng vào đại học. Điều mà Ngọc Huyền ưu tiên số 1 luôn là chọn ngành đúng đam mê, phát huy sở trường của bản thân.
Ngọc Huyền cho biết, cô chọn học chuyên về các môn xã hội. Tuy nhiên, với khối xã hội không nhiều ngành nghề “hot” để lựa chọn. Hiện cô học trò cuối cấp nghĩ đến những hình mẫu trong tương lai là: Giáo viên, nhà báo, luật sư. Điều đó cũng đặt ra cho Ngọc Huyền cần có sự quyết đoán hơn trong từng nguyện vọng của mình.
Một số chuyên gia cho rằng, 3 yếu tố để định hướng nghề nghiệp đúng là sở thích cá nhân, tính cách - sở trường và nhu cầu thị trường. Ngay từ đầu, các bạn học sinh nên nghiêm túc trong việc xác định ngành nghề tương lai. Nếu công việc không xuất phát từ sở thích, đam mê của mỗi người, chúng ta sẽ không có động lực cố gắng mỗi khi gặp khó khăn và không theo đuổi lâu bền, thay vào đó là cảm giác chán nản, mệt mỏi, dễ dàng thất bại.
Ưu tiên chọn ngành nghề trước
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân. Nếu vào được trường top, ngành đó lại nằm ở trường top thì rất tốt nhưng rõ ràng ở những trường top, với những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh đặc biệt cao, các bạn giỏi cũng mong muốn được theo học.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, 3 - 5 năm qua, một số lĩnh vực hiện thu hút nhiều sự quan tâm của thí sinh, có số thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất là: Kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin; Tiếp theo là các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, nhân văn, sức khỏe, khoa học xã hội và hành vi, khoa học giáo dục.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học |
Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ từ ngày 5/7, trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Từ ngày 5/7 đến ngày 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ. Từ ngày 26/7 đến 17h00 ngày 5/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến… |
Tuy nhiên, có những nhóm ngành thiếu sức hút với thí sinh, thể hiện ở số lượng đăng ký xét tuyển và nhập học khá thấp so với tổng chỉ tiêu các trường đặt ra. Đó là các nhóm ngành, lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội nhưng 4 nhóm ngành này lại nhiều cơ hội việc làm. Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chờ đợi sẵn để tuyển dụng…
Anh Đỗ Đình Tuấn - Chủ doanh nghiệp công nghệ tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội trước đây từng học Công nghệ thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh rằng, hãy chọn ngành trước, rồi hẵng chọn trường. Theo anh Tuấn, ngành học gắn với nghề mà chúng ta sẽ theo đuổi cả đời, còn trường chỉ là “kỷ niệm” của thời sinh viên.
"Chọn ngành học mình thực sự yêu thích thì sự nghiệp tương lai sẽ nhiều niềm vui hơn. Thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học rồi thất nghiệp hoặc phải làm công việc lao động phổ thông, mà lý do phổ biến là chọn sai ngành. Vậy nên, để không lãng phí thời gian, tiền bạc lẫn tuổi trẻ, “2k5” hãy cân nhắc thật kỹ về ngành nghề trước. Sau đó, chúng ta mới liệt kê những trường đào tạo ngành nghề đó rồi sàng lọc, lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất với bản thân", anh Đỗ Đình Tuấn nói.