Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Đầu tư đồng bộ cho giáo dục
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là thiếu giáo viên ở cấp tiểu học đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tại Hà Tĩnh.
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, tỉnh có một số giải pháp để “giải” bài toán thừa thiếu giáo viên trong năm 2022, đầu tư cơ sở vật chất… tạo tiền đề vững chắc triển khai Chương trình GDPT 2018 những năm tiếp theo.
Duy trì học trực tiếp cho học sinh các cấp
- Xin ông cho biết những dấu ấn và kết quả quan trọng của ngành Giáo dục Hà Tĩnh đạt được trong năm 2021?
- Năm 2021, Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện hết sức khó khăn do đại dịch Covid-19, hậu quả trận lũ lịch sử cuối năm 2020 làm hư hỏng nhiều cơ sở vật chất trường học. Nhưng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, ngành GD-ĐT Hà Tĩnh tiếp tục đạt kết quả tốt.
Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng mũi nhọn giữ vững. Tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Tỷ lệ học sinh khuyết tật trong độ tuổi tiểu học được đi học đạt 82,5%.
Tại các kỳ thi năm 2021 ở Hà Tĩnh được tổ chức đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng quy chế, kết quả cao. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021, Hà Tĩnh có 89/100 học sinh đoạt giải, chiếm tỷ lệ 89%, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng giải và tốp đầu về tỷ lệ học sinh đoạt giải. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Tĩnh tiếp tục đứng thứ 18/63 tỉnh, thành về điểm trung bình chung, tăng 7 bậc so với năm 2020, đặc biệt có thí sinh duy nhất toàn quốc đạt 30 điểm ở tổ hợp Toán, Hóa, Sinh và có 2.750 lượt thí sinh có tổ hợp môn xét đại học đạt từ 27 điểm trở lên.
Một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục Hà Tĩnh là duy trì việc học trực tiếp cho học sinh các cấp học. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các trường học đã chủ động bố trí thời khóa biểu, linh hoạt kế hoạch dạy học theo kế hoạch của ngành. Hà Tĩnh là 1 trong 9 địa phương trong cả nước tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn và chương trình, kế hoạch đề ra.
Sau khi hoàn thành việc kiểm tra học kỳ I trước nửa tháng, các trường học đã tranh thủ “thời gian vàng” tiếp tục chương trình học kỳ II. Đây cũng là cách làm linh hoạt, vừa bảo đảm tiến độ kế hoạch năm học, đồng thời tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp để chuyển tải kiến thức cho học sinh bảo đảm chất lượng tốt nhất.
- Năm học 2021 - 2022, Hà Tĩnh có nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh trong đợt dịch Covid-19. Trong đó việc thành lập “Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học” thu hút được sự quan tâm ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân. Ông có thể chia sẻ hoạt động sau một học kỳ triển khai?
- Năm học 2021 - 2022, Hà Tĩnh có hơn 5.000 học sinh đậu đại học, trong đó có nhiều em đạt điểm cao nhưng gia đình gặp hoàn cảnh rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ không thể thực hiện được ước mơ, hoài bão. Trăn trở với việc học của các em, lãnh đạo tỉnh đã chủ trương thành lập “Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học”, giao cho Hội Khuyến học tỉnh quản lý, xây dựng quy chế hoạt động.
Năm học 2021 - 2022, Quỹ đã huy động được trên 16,5 tỷ đồng, hỗ trợ 137 em đi học đại học, mỗi em được hỗ trợ từ 80 - 150 triệu đồng. Để bảo đảm số tiền hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh chuyển tiền vào tài khoản cho các em theo từng kỳ hoặc từng tháng. Sau mỗi kỳ học, các em báo cáo và gửi giấy xác nhận kết quả học tập, rèn luyện của nhà trường về Hội Khuyến học tỉnh để thông tin với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và đồng hành cùng các em trong kỳ học tiếp theo.
Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đi học đại học đã thể hiện tinh thần nhân văn, tương thân, tương ái của cộng đồng, góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện chủ trương đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Đây là động lực, chỗ dựa để nhiều học sinh nghèo yên tâm, nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, thắp sáng ước mơ, hoài bão của mình. Với ý nghĩa nhân văn này, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ và dự kiến sẽ mở rộng thêm đối tượng, mức hỗ trợ. Không chỉ dừng lại hỗ trợ học sinh đi học đại học, mà có thể còn hỗ trợ học sinh đặc biệt khó khăn học giỏi ở các cấp học, để con đường tới trường của trẻ bớt gập ghềnh.
Đề xuất bổ sung hơn 1.000 biên chế giáo viên trong năm 2022
- Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành GD Hà Tĩnh vẫn còn những khó khăn, trong đó có bài toán thừa, thiếu giáo viên không đồng đều giữa các cấp học. Vậy, Hà Tĩnh đã có giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề này?
- Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là thiếu giáo viên ở cấp tiểu học đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học tại Hà Tĩnh. Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục Hà Tĩnh thừa 176 giáo viên THCS, trong khi đó, so với biên chế được giao bậc học tiểu học còn thiếu 205 giáo viên. Tại một số bộ môn cũng xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Những năm qua, Hà Tĩnh có nhiều giải pháp từng bước khắc phục vấn đề này trên cơ sở biên chế giáo viên được HĐND tỉnh giao hàng năm như: Phê duyệt chủ trương tuyển dụng cho UBND các huyện, thành phố, thị xã tuyển dụng số giáo viên còn thiếu so với kế hoạch; Ban hành văn bản về quy định biệt phái giáo viên tiểu học, THCS, THPT từ đơn vị thừa đến đơn vị thiếu; Thực hiện điều chuyển giáo viên dạy các bộ môn đặc trưng còn thừa của THCS xuống tiểu học; Tinh giản biên chế theo quy định.
Theo đó, trong năm 2021 toàn tỉnh thiếu 970 giáo viên, tỉnh đã chủ trương tuyển dụng 775 chỉ tiêu giáo viên (giữ 20% chỉ tiêu để thực hiện hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP và Kế hoạch 300/KH-UBND nhằm cân đối giáo viên). Kết quả tuyển dụng được 557/775 giáo viên. Đối với công tác biệt phái giáo viên, năm học 2020 - 2021, Hà Tĩnh có 37 chỉ tiêu biệt phái từ đơn vị thừa giáo viên đến thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh. Năm học 2021 - 2022, có 18 chỉ tiêu biệt phái từ đơn vị thừa đến các đơn vị cấp huyện. Ngoài ra, trong năm học này, có 31 giáo viên dạy các môn đặc thù chung còn thừa của bậc THCS xuống bậc tiểu học; tinh giản 36 giáo viên ở các bộ môn thừa…
Như vậy, sau khi thực hiện các giải pháp, tình trạng thừa thiếu giáo viên cơ bản đã được khắc phục, góp phần đáp ứng được yêu cầu dạy và học của các địa phương trong toàn tỉnh.
Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để “giải” bài toán thừa thiếu giáo viên. Trong đó, tăng tỷ lệ giao biên chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề (đối với những đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên); chuyển tự chủ 100% đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm khả năng tự chủ; từ đó cân đối biên chế do ngân sách Nhà nước bảo đảm để bổ sung cho các bậc học còn thiếu biên chế, trong đó ưu tiên bậc học tiểu học, mầm non để huy động trẻ dưới 3 tuổi; đối với bậc học khác bổ sung biên chế những bộ môn thiếu cục bộ nhưng không có giáo viên phù hợp để điều chuyển và biệt phái.
Ngoài ra, hàng năm tỉnh xem xét thẩm định, phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên bảo đảm bổ sung giáo viên còn thiếu theo yêu cầu. Đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên những bậc học, môn học còn thiếu, môn học mới theo quy định. Hiện nay, đã đưa vào Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Để tạo điều kiện cho giáo viên có môi trường thuận lợi cống hiến, tỉnh đã giao Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT rà soát để phân công, bố trí hợp lý giáo viên, giảm thiểu tình trạng giáo viên từ địa phương này phải đi địa phương khác.
Phát triển đội ngũ nhà giáo
- Trong năm 2022 triển khai Chương trình, SGK lớp 3 - 7 và 10, Hà Tĩnh có những kế sách gì “ưu tiên” cho ngành GD-ĐT?
- Xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, bước sang năm 2022, Hà Tĩnh tiếp tục dành nhiều chính sách ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục tỉnh. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất các trường học, đặc biệt là các trường THPT theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức 4; các huyện, thành phố, thị xã phấn đấu tối thiểu có một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS đạt chuẩn mức 4.
Có chính sách quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nhằm bổ sung giáo viên mầm non ở vùng khó khăn; giáo viên của các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018; giáo viên ở trường THPT thường xuyên thiếu giáo viên.
Tiếp tục rà soát thực hiện quy hoạch, điều chỉnh mạng lưới trường lớp phù hợp thực tiễn hiện nay. Ưu tiên nguồn lực chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình.
Tăng cường đầu tư đảm bảo đủ trang thiết bị tối thiểu các khối lớp học và cơ sở vật chất khác cho việc dạy học theo chương trình mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành Giáo dục… Chủ động, linh hoạt tổ chức dạy và học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!