Thực hư về thành phố bí mật dưới kim tự tháp Ai Cập
Vừa qua, giới khoa học xôn xao về thông tin có thành phố bí mật được cho là nằm dưới một kim tự tháp ở Ai Cập.
![]() |
Kim tự tháp Khafre ở Giza. |
Theo đó, nhóm nhà nghiên cứu tuyên bố đã phát hiện và tái tạo những công trình khổng lồ 38.000 năm tuổi nằm sâu bên dưới Kim tự tháp Khafre tại Giza.
Thành phố hay nhà máy điện?
Trong cuộc họp báo được tổ chức tại Italy, TS Corrado Malanga, nhà hóa học hữu cơ và TS Filippo Biondi, chuyên gia cảm biến từ xa - đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho biết, thông qua việc phát triển một phương pháp mới để giải mã các tín hiệu từ “Radar khẩu độ tổng hợp” (SAR), họ phát hiện các cấu trúc cách Kim tự tháp Khafre ở Giza khoảng 2km, gồm các đường xoắn ốc, hành lang.
Sử dụng các bản dựng lại do AI tạo ra, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết, các cấu trúc này thuộc về một thành phố cổ đại, hoặc thậm chí là một nhà máy điện thời tiền sử.
Tin đồn về các công trình bí mật bên dưới cao nguyên Giza không phải là điều mới mẻ. Ý tưởng này có từ thời Hy Lạp cổ đại và sử gia Herodotus từng đề cập, sau đó thỉnh thoảng lại nổi lên trong nhận thức của công chúng suốt thời Trung cổ và Phục hưng.
Chúng trở nên phổ biến trong giới học giả Pháp vào thế kỷ 19 và tiếp tục gây xôn xao vào thế kỷ 20, khi nhà ngoại cảm người Mỹ, Edgar Cayce, nêu ý tưởng có một hội trường lưu trữ hồ sơ bí mật chôn vùi bên dưới quần thể kim tự tháp.
Khái niệm về một nhà máy điện được cho là do người ngoài hành tinh xây dựng cũng lan truyền trong giới khoa học thời gian dài. Ngoài ra, còn có thuyết âm mưu cho rằng, các dự án kiến trúc cổ đại ấn tượng dưới kim tự tháp là do người ngoài hành tinh thực hiện.
Tuy nhiên, giả thuyết mới nhất về thành phố bí mật dưới kim tự tháp hiện nay đã thu hút sự chú ý của công chúng do uy tín về học thuật của các tác giả. Trước đây, Malanga và Biondi xuất bản bài báo về cấu trúc bên trong của Kim tự tháp Khafre cũng từng gây chú ý trong cộng đồng khoa học.
Hình ảnh cấu trúc thành phố do AI dựng lại từ các tín hiệu SAR.
Những giả thuyết khác nhau
TS Flint Dibble, thuộc Đại học Cardiff, xứ Wales, nhà khảo cổ học được kính trọng, người đứng đầu các dự án lập bản đồ kỹ thuật số 3-D cho một cuộc khai quật lớn tại Abydos ở Ai Cập, cho biết: “Những tuyên bố này được công chúng đón nhận bởi vì từ lâu, nhiều người từng tin rằng có những căn phòng bí ẩn bên dưới kim tự tháp. Chúng có vẻ khả tín vì sự kết hợp giữa nghiên cứu và bằng cấp mà các học giả nắm giữ”.
Vấn đề về giả thuyết về thành phố bí ẩn này là ứng dụng một công nghệ mới của nhóm nghiên cứu, với những bước tiến vượt bậc trong quá trình tái hiện, ngoài những gì chúng ta biết về khảo cổ học trong khu vực.
Tuy nhiên, như TS Dibble đã giải thích, những phương pháp này chưa được xác minh độc lập. Radar khẩu độ tổng hợp - SAR - chỉ phát hiện được tối đa hai mét dưới lòng đất trong những điều kiện tương tự. Thật khó để tưởng tượng công nghệ này cung cấp thông tin đáng tin cậy về các cấu trúc cách bề mặt 2.000 mét.
Nhưng theo Malanga và Biondi, họ không khám phá cách mới để phát hiện các cấu trúc sâu hai km dưới lòng đất, thay vào đó, họ có một phương pháp mới để giải mã các tín hiệu từ độ sâu này.
Ngoài Dibble, các học giả có uy tín khác cũng chỉ trích phát hiện trên. Giáo sư Lawrence B. Conyers, một chuyên gia về radar xuyên đất tại Đại học Denver (Mỹ), nói với tờ Daily Mail rằng, những tuyên bố về một thành phố rộng lớn dưới kim tự tháp là “một sự cường điệu quá mức”.
Nhà khảo cổ học Ai Cập, TS Zahi Hawass, gọi những tuyên bố trên là “vô căn cứ” và lưu ý, Hội đồng Cổ vật Ai Cập không cấp phép cho nghiên cứu này diễn ra tại Kim tự tháp Khafre.
Tóm tắt các vấn đề diễn giải và thực tiễn, TS Sarah Parcak, học giả từng đoạt giải thưởng tại Đại học Alabama (Mỹ), người sử dụng hình ảnh vệ tinh tiên tiến để cải thiện tốt hơn sự hiểu biết của chúng ta về khảo cổ học Ai Cập, cho biết, “Tôi có thể khiến bất kỳ hình ảnh từ vệ tinh nào trông giống như thứ gì tôi muốn. Tôi nghĩ đó là những gì nhóm nghiên cứu này đã làm. Họ đã hiểu sai dữ liệu. Và hình ảnh vệ tinh, dữ liệu SAR không thể nhìn xuyên qua đá”.
Dibble giải thích rằng, nghiên cứu này đã tránh né tất cả các dữ liệu khảo cổ học về cao nguyên Giza được thu thập một cách tỉ mỉ trong hai thế kỷ qua, như phân tích địa hóa, cảm biến từ xa vệ tinh, khúc xạ địa chấn, quét, chụp cắt lớp điện trở suất, thử nghiệm siêu âm, radar xuyên đất và từ kế. Mọi thứ đã được kiểm tra cẩn thận và trong một số trường hợp, được xác nhận thông qua khai quật và khoan vào nền đá.
Dữ liệu có liên quan nhiều nhất ở đây là mực nước ngầm tại Giza. Một nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện vào năm 2019 đã tiết lộ mực nước ngầm chỉ cách bề mặt cao nguyên Giza vài chục mét.
Dibble cho biết, sự gần kề của nước ngầm có nghĩa là ngay cả ngày nay, tượng Nhân sư và các tượng đài khác vẫn đang dần bị xói mòn do nước đôi khi “bốc hơi” từ dưới lòng đất. Điều này có nghĩa là, nếu thực sự có các công trình nằm sâu khoảng 2.000 mét bên dưới các kim tự tháp, thì chúng sẽ luôn là một phần của một thành phố dưới nước.
Nhìn chung, nước là một phần quan trọng để hiểu được quá trình tồn tại của các kim tự tháp. Các kim tự tháp được xây dựng ngay sau khi kết thúc thời kỳ ẩm ướt của châu Phi, khi lượng mưa lớn hơn và sa mạc Sahara giống như một thảo nguyên xanh tươi hơn.
Một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy, trong thời kỳ xây dựng, nhánh Kufu của sông Nile kéo dài đến tận cao nguyên Giza, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các loại đá cần thiết để xây dựng các kim tự tháp. Chúng ta không cần người ngoài hành tinh… khi chúng ta có nước.