• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch âm nhạc Việt Nam: Cú hích bùng nổ từ…Anh trai

Trào lưu Music Festival vốn đã sôi động từ cuối năm 2023 và hoàn toàn bùng nổ trong năm 2024.

Các tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng truyền thống kết hợp hiện đại được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Ảnh: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai.
Các tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng truyền thống kết hợp hiện đại được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Ảnh: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai.
 

Các chương trình truyền hình âm nhạc đình đám như “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho giải trí, mà còn trở thành chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của du lịch âm nhạc tại Việt Nam.

Sự chuyển biến thú vị

Theo báo cáo SocialTrend Reply 2024 của YouNet Media, năm 2024 đã chứng kiến sự chuyển dịch khi các hot trend âm nhạc được cộng đồng mạng hưởng ứng mạnh mẽ. Trào lưu Music Festival vốn đã sôi động từ cuối năm 2023 và hoàn toàn bùng nổ trong năm 2024.

Với 610 hot trend, chiếm 22,3% tổng số lượng chủ đề nóng, âm nhạc đã vượt qua ăn uống, giành vị trí TOP 2 lĩnh vực xuất hiện nhiều hot trend nhất MXH 2024, đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ trong mối quan tâm của người dùng mạng xã hội.

Đáng chú ý, có đến 5/10 chủ đề trong danh sách Top 10 chủ đề hot nhất mạng xã hội là các show giải trí, chiếm hơn 56,7% tổng lượng thảo luận, cho thấy sự quan tâm rất lớn của khán giả với các chương trình âm nhạc được đầu tư bài bản, chỉn chu, có sự đầu tư về cả phần nhìn và phần nghe.

Cuối tháng 10/2024, báo cáo trước Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết Blackpink sang biểu diễn ở Việt Nam chỉ có 2 đêm đã thu hơn 13 triệu USD. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được phê duyệt năm 2016, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 31 triệu USD.

“Như vậy, chỉ hai đêm diễn của Blackpink đã bằng một nửa tổng doanh thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030 mà chúng ta phấn đấu. Đó là điều rất đáng suy nghĩ”, ông Nghĩa cho biết và dẫn lời lãnh đạo Sở Văn hóa TPHCM, rằng rất tiếc tiêu chuẩn của sân vận động ở TPHCM không đạt, nếu Blackpink vào đó biểu diễn thêm 2 đêm nữa, sẽ bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030.

Kể câu chuyện ấy, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tái khẳng định, dư địa phát triển văn hóa của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ít ai nghĩ được rằng chúng ta cũng sẽ có các buổi concert âm nhạc với các nghệ sĩ đều là người Việt Nam mà số lượng vé bán ra lên tới hàng chục nghìn, thậm chí nhiều người phải bỏ ra rất nhiều tiền cho giá vé “chợ đen”.

Cho đến khi các chương trình truyền hình về âm nhạc bùng nổ, tiêu biểu là “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Từ đó, hàng loạt concert mang tầm cỡ thế giới do người Việt tổ chức ra đời, chứng minh rằng Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nghệ sĩ tên tuổi.

du-lich-am-nhac-viet-nam-cu-hich-bung-no-3.jpg

Blackpink sang biểu diễn ở Việt Nam 2 đêm và thu về hơn 13 triệu USD. Nguồn: BLΛCKPIИK GLOBAL FANBASE.

Hiệu ứng kinh tế, văn hóa từ du lịch âm nhạc

Thống kê từ các đơn vị bán vé, các buổi concert của “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã thu hút khoảng 50.000 – 70.000 khán giả. Thậm chí, địa điểm tổ chức concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” thông báo đã đón 130.000 lượt khách đến tận hưởng không khí lễ hội, trải nghiệm ẩm thực thương mại trong ngày 14/12/2024.

Giá vé của chương trình chia thành ba nhóm khác nhau là đứng, ngồi và VIP lounge, với 11 hạng vé tương ứng chi phí khác nhau. Mức giá mềm nhất vẫn là 800.000 đồng và cao nhất là 8.000.000 đồng/vé.

Không dừng lại ở đó, du lịch âm nhạc tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kéo theo sự phát triển của hàng loạt các ngành nghề liên quan. Các công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp “ăn nên làm ra” với nhu cầu tổ chức các concert ngày càng tăng. Các hãng hàng không, công ty vận tải, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm… đều được hưởng lợi từ dòng khách du lịch đổ về.

Quảng cáo, truyền thông cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi các nhãn hàng tìm cách tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ thông qua các hoạt động tài trợ cho concert.

Ngoài ra, nhu cầu lớn về nhân lực, từ an ninh, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, hậu cần, cho đến nhân viên phục vụ, bán vé, hướng dẫn viên du lịch... đã tạo ra hàng nghìn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động. Đồng thời, thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật, là môi trường để các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc thể hiện tài năng và phát triển sự nghiệp.

Chủ một chuỗi homestay, nhà nghỉ tại Hà Nội phấn khởi chia sẻ: “Khi có các concert âm nhạc lớn, lượng khách đặt phòng tăng đột biến, thậm chí kín phòng từ trước cả tuần. Khách thường là các bạn trẻ hoặc nhóm bạn đi chung để tiết kiệm chi phí.

Về giá cả, vào những dịp này không tránh khỏi tăng nhẹ, nhưng chúng tôi luôn cố gắng giữ mức giá hợp lý để có lượng khách quay lại. Một số khách sạn cao cấp thì giá có thể tăng gấp đôi. Nhưng dù đắt thì cũng phải đặt trước, bởi những địa điểm gần nơi tổ chức đều cháy phòng trước cả tuần”.

Nhìn ra thế giới, những sự kiện âm nhạc đình đám, như “The Eras Tour” của Taylor Swift, đã mang đến lợi nhuận khổng lồ cho ngành giải trí và tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ cho các ngành kinh tế khác. Với 152 đêm diễn tại 51 thành phố, Taylor Swift bán được tổng cộng hơn 2 tỷ USD tiền vé, trở thành tour diễn có doanh thu cao nhất lịch sử.

Con số không chỉ phản ánh sức hút mạnh mẽ của nữ ca sĩ, mà còn cho thấy sự đóng góp của âm nhạc vào kinh tế toàn cầu. Theo khảo sát từ Question Pro, những “Swifties” - người hâm mộ của nữ ca sĩ Taylor Swift, đã chi tổng cộng 5 tỷ USD tại Mỹ.

Tuy nhiên, con số này mới chỉ tính đến chi tiêu trực tiếp. Hiệp hội Du lịch Mỹ cho rằng tổng chi tiêu, bao gồm cả các khoản chi gián tiếp và các giao dịch của những người không có vé, có thể vượt 10 tỷ USD.

Các nhà phân tích gọi đây là “hiệu ứng Taylor Swift”, một cú hích lớn cho ngành du lịch và khách sạn. Các khu vực trung tâm thành phố chứng kiến lưu lượng người qua lại và tỷ lệ lấp đầy phòng tăng đáng kể nhờ lượng khách đổ về. “Các sự kiện này đã mang lại hiệu ứng phục hồi lớn cho ngành du lịch và các trung tâm thành phố vẫn đang phải vật lộn với hậu quả từ đại dịch”, báo cáo của Trung tâm Việc làm & Kinh tế California cho biết.

 

Ngay tại Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore là hai ví dụ điển hình về việc khai thác thành công du lịch âm nhạc. Họ đã biến những concert của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới thành “con gà đẻ trứng vàng”, mang lại nguồn lợi khổng lồ cho nền kinh tế.

Ở châu Âu, các lễ hội âm nhạc như Tomorrowland (Bỉ), Glastonbury (Anh)… đã trở thành những thương hiệu toàn cầu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Chính phủ các nước này cũng rất nhanh nhạy trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện, thậm chí là đầu tư để các sự kiện âm nhạc diễn ra thuận lợi, từ đó tối đa hóa lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh quốc gia.

Bên cạnh những giá trị kinh tế, “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” còn góp phần không nhỏ truyền bá giá trị văn hóa truyền thống, thông qua việc làm mới các bài nhạc xưa cũ.

Loạt tiết mục sử dụng chất liệu dân gian như chèo cổ, múa chén, cải lương... đã được các nghệ sĩ làm mới, sáng tạo khi kết hợp giữa giai điệu dân gian, rap và hơi hướng R&B. Các tiết mục không chỉ đưa khán giả đi một vòng Việt Nam, thưởng thức nét đẹp văn hóa bản địa, mà còn là cơ hội để các nghệ sĩ thực sự trải nghiệm, thẩm thấu sâu sắc những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Ngay sau chương trình, nhiều tiết mục như “Trống cơm”, “Áo mùa đông - Trở về”, “Mẹ yêu con”... đã được học sinh tái hiện trong các chương trình văn nghệ, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa thông qua âm nhạc.

du-lich-am-nhac-viet-nam-cu-hich-bung-no-2.jpg

Hàng chục nghìn người đổ về Hưng Yên để tham gia concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai' hồi giữa tháng 12/2024. Ảnh: VnExpress.

Cần một “nhạc trưởng” tài ba

Tiềm năng của du lịch âm nhạc tại Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác thành công, chúng ta cần một “nhạc trưởng” tài ba, điều phối nhịp nhàng các “nhạc công”.

Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc tổ chức các sự kiện âm nhạc, đặc biệt là các sự kiện quốc tế. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các địa điểm biểu diễn đạt chuẩn quốc tế là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục cấp phép… đóng vai trò quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư, đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp cần nâng cao tính chuyên nghiệp, đầu tư bài bản cho các khâu tổ chức, từ lên ý tưởng, dàn dựng, âm thanh, ánh sáng, truyền thông... để mang đến những concert chất lượng, xứng tầm quốc tế. Việc liên kết, hợp tác với các đơn vị tổ chức nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm cũng là điều cần thiết.

Về phía các nghệ sĩ, không ngừng trau dồi chuyên môn, sáng tạo những sản phẩm âm nhạc chất lượng, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tích cực quảng bá cho du lịch nước nhà là những yếu tố then chốt.

Nhưng quan trọng hơn cả, đời tư trong sạch mới là nền tảng để duy trì sự yêu mến từ công chúng. Sống có trách nhiệm với bản thân, với người hâm mộ là cách họ khẳng định giá trị cá nhân và cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật.

 

Nhìn chung, du lịch âm nhạc là một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để khai thác hiệu quả tiềm năng của loại hình du lịch này, cần có sự chung tay của nhiều bộ, ban, ngành, các cá nhân và tập thể, và một chiến lược phát triển du lịch âm nhạc bài bản, đồng bộ, từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cho đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch âm nhạc.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” chính là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch âm nhạc thế giới.

Hơn ai hết, doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tự tin cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Những buổi concert được tổ chức chuyên nghiệp, giá vé đa dạng, và hiệu ứng lan tỏa từ “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã góp phần tạo nên bức tranh kinh tế sôi động, nơi các ngành dịch vụ như khách sạn, vận tải, nhà hàng, và quảng cáo đều “ăn nên làm ra”. Quan trọng hơn, Việt Nam đang chứng minh năng lực tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế, hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn của những tín đồ âm nhạc toàn cầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết