• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ An tích cực đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng

Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2025, trong đó có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao.

Triển khai đồng bộ, rộng khắp

Sau 4 năm, chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở hầu hết các địa phương ở Nghệ An.

Nghệ An tích cực đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng
Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2025, trong đó có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao

Cụ thể, Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, rõ nhất là thông qua những cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Các sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm; Nhóm đồ uống; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm sinh vật cảnh; Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Việc triển khai Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện về cơ chế chính sách, gắn kết 4 nhà “Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà nông”.

Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Từ chương trình đã hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến hết năm 2022, Nghệ An có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Trong đó: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương đánh giá công nhận.

Nghệ An tích cực đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm rượu Tiên Kỳ đạt sản phẩm OCOP 3 sao, tuy nhiên đến nay quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, cho biết việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được thúc đẩy mạnh mẽ, đã tổ chức được 71 hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó 51 Hội chợ; 17 cuộc kết nối cung cầu; 3 cuộc triển lãm trưng bày triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP… góp phần làm nên thành công của chương trình.

Phấn đấu ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình OCOP tại Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An cho rằng dù sản phẩm OCOP Nghệ An đạt số lượng tốt nhưng chất lượng vẫn cần phải hoàn thiện. Ngoài ra quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu mặt bằng, có trường hợp kết nối được với đơn vị tiêu thụ nhưng cơ sở không đạt công năng sản xuất, sản lượng theo yêu cầu mà họ đề ra.

Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP đa số là nông nghiệp, sản xuất theo mùa vụ, trong khi để vào được siêu thị, các hệ thống thì mặt hàng phải đảm bảo quanh năm có mặt trên kệ hàng, đây là khó khăn, thách thức trong sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững...

Ngoài ra, thông tin về chương trình OCOP được đánh giá cũng chưa đủ phong phủ. Do chủ yếu là sản phẩm đặc hữu vùng miền, sản xuất, chế biến với quy mô nhỏ lẻ, nên bên cạnh việc không có khối lượng sản phẩm lớn, giá thành của sản phẩm còn cao, chưa có thương hiệu, chưa chuyên nghiệp trong khâu phân phối, tiếp thị... là hạn chế chung của các sản phẩm OCOP.

Một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống.

Giai đoạn 2023 – 2025, Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao.

Bên cạnh đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, mỗi huyện có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể OCOP là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

 

Tác giả: Hoàng Trinh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật