“Dở khóc dở cười” chuyện dân công sở bán hàng online để kiếm thêm thu nhập
Trong tình hình kinh tế khó khăn cộng thêm bão sa thải, nhiều bạn trẻ làm công sở lựa chọn dấn thân vào nghề tay trái như bán hàng online để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, "khởi nghiệp" với nghề tay trái để kiếm thêm quả thật không phải là con đường "rải đầy hoa".
Đỏ mặt… với sếp khi khách gọi hoài
Đặng Ánh Tuyết (26 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) hiện đang làm công việc hành chính tại một công ty công nghệ. Cô gái trẻ cho biết từng khởi nghiệp với một shop quần áo online nhỏ. Tuy shop quần áo có đơn hàng đều đặn nhưng cô bắt đầu nhận thấy khó khăn khi làm một lúc song song hai công việc.
"Công việc chính của mình cần sự tập trung. Nhiều khi đang làm việc mà đơn hàng nhiều thì shipper và khách hàng cũng gọi nhiều. Mình cứ phải ra ngoài nghe máy liên tục, rất ngại với sếp. Thậm chí, nhiều lúc đang họp hay tham gia hoạt động của công ty thì không nghe máy được", Ánh Tuyết nói.
Khởi nghiệp với nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập không phải là con đường "rải đầy hoa" đối với dân văn phòng |
Với bất cập khi khách nhắn tin trong giờ hành chính thì không thể trả lời ngay lập tức, Ánh Tuyết cho biết cô chọn phương án trả lời tin nhắn mua hàng của khách vào giờ nghỉ trưa hoặc lúc có thời gian rảnh, buổi tối để không ảnh hưởng đến công việc chính.
Tương tự Ánh Tuyết, Minh Huệ (25 tuổi, kế toán viên của một công ty du lịch) hiện cũng sở hữu một fanpage bán hàng thủ công online với gần 7000 lượt follow trên Facebook. Cô gái trẻ cho biết cô thường không thể trả lời tin nhắn ngay khi khách liên hệ do phải ưu tiên công việc chính ở công ty. Thậm chí, thỉnh thoảng Minh Huệ phải hy sinh giờ làm việc ở công ty khi có những giấy tờ cần đến làm việc với cơ quan nhà nước.
Bị khách mắng vì bận họp chưa kịp trả lời tin nhắn
Không thể trả lời khách ngay lập tức, ngại với sếp… không phải là những khó khăn duy nhất khi bạn chọn bắt đầu với bán hàng online trong khi vẫn duy trì công việc chính. Ban ngày phải tập trung cho công việc tại công ty, cả Ánh Tuyết lẫn Minh Huệ chỉ có thể gói hàng vào buổi tối và hẹn gửi hàng vào hôm sau, do đó thời gian giao hàng cũng sẽ chậm hơn.
"Shop của mình cũng không thể giao hàng hỏa tốc khi khách muốn nhận hàng liền trong ngày do chưa đủ nhân lực. Đó là một điều khiến mình bỏ lỡ khá nhiều khách hàng. Khá đáng tiếc nhưng mình cũng chưa biết phải làm như thế nào", Minh Huệ chia sẻ.
Ánh Tuyết thường bị khách mắng khi không thể trả lời tin nhắn ngay lập tức |
Với Ánh Tuyết, tình trạng còn nghiêm trọng hơn khi cô nàng không có phương án phù hợp để cân bằng dẫn đến một cơn khủng hoảng "nhớ đời".
"Có lần khách đòi trả hàng, nhưng mình đang rất nhiều việc, đi họp nên chưa kịp feedback và phản hồi. Khách gọi điện nhưng mình đang họp nên không nghe máy. Khi gọi lại thì khách hơi tức giận và mắng mình 1 tràng, mặc dù lý do không đến nỗi.
Đang stress công việc mà gặp khách hàng khó tính, lúc đó mình rất muốn cãi lộn với khách nhưng ráng bình tĩnh xử lý vì “khách hàng là thượng đế”. Xử lý xong mình tức quá không làm việc được vì khách hàng rất vô lý, đành phải đi ra ngoài ngồi cà phê và nói chuyện với đồng nghiệp cho bớt bực", Ánh Tuyết kể về một tình huống đáng nhớ trong sự nghiệp bán hàng online của mình.
Không chỉ là những khó khăn kể trên, nhiều bạn trẻ khi tập tành bán hàng online cũng thường tận dụng trang mạng xã hội cá nhân như Facebook, TikTok, Instagram... để đăng bán sản phẩm. Điều đó khá dễ hiểu vì trang cá nhân đã có sẵn một lượng khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, việc bắt đầu đăng bán sản phẩm một cách "công khai" như đăng liên tục và để ở chế độ công khai có thể khiến nhiều bạn bè trong friendlist (danh sách bạn bè) khó chịu. Nặng nề hơn, người trẻ có nguy cơ gặp rắc rối khi mất hẳn hình ảnh cá nhân đã dày công xây dựng trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, đối tác…
Hải Anh thừa nhận phải cân bằng giữa việc chính và việc phụ nếu không muốn thất bại trong cả hai |
Hải Anh (24 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận mình may mắn khi vẫn đăng bán sản phẩm trên trang cá nhân nhưng không gặp phản ứng hay thái độ gì từ đồng nghiệp. "Mình và đồng nghiệp rất vui vẻ, hòa thuận nên các bạn chỉ trêu “làm nhiều thế thì giàu phải biết” thôi chứ không quá khó chịu. Thậm chí, họ còn ủng hộ đồ ăn mình bán thường xuyên", Hải Anh cho biết.
Ngoài ra, Hải Anh cũng chia sẻ "bí quyết" để giúp cân bằng giữa công việc chính và kinh doanh tay trái: "Đối với người làm thêm một công việc phụ mình cần biết cân đối và sắp xếp để không làm ảnh hưởng đến công việc chính, sếp cũng như đồng nghiệp. Chỉ nên làm khi có thời gian rảnh, thời gian cá nhân ví dụ như thời gian nghỉ trưa, buổi tối ở nhà. Không nên tận dụng thời gian làm việc chính để làm việc phụ để tránh ảnh hưởng đến năng suất lao động".