• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Dư luận mong chờ một bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội và nhân văn

luận tin tưởng bản án đưa ra cho các bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu” sẽ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đúng người, đúng tội và nhân văn.

Dự kiến chiều nay (28/7), hội đồng xét xử sơ thẩm đại án “chuyến bay giải cứu” sẽ đưa ra phán quyết mức hình phạt đối với các bị cáo.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Hành vi phạm tội của nhóm các bị cáo nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã lợi dụng hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát để phạm tội.

Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước; nó còn tạo điều kiện để kẻ xấu xuyên tạc, kích động, bôi nhọ chế độ, "quy đồng mẫu số" tiêu cực những chủ trương, chính sách tốt đẹp khác; làm sói mòn niềm tin của nhân dân với chế độ.

Ở nhóm tội nhận hối lộ, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) bị đề nghị mức án tử hình. Kiên là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án này, với 253 lần, nhận tổng số tiền 42,6 tỉ đồng.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Dư luận mong chờ những bản án nghiêm minh, đúng người đúng tội và nhân văn

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Các cựu quan chức còn lại ở nhóm tội danh này bị đề nghị mức án từ 2 - 20 năm tù. Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị 12 - 13 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng. Thuộc cấp của ông Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị 18 - 19 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 25 tỉ đồng.

Bị cáo bị đề nghị mức án cao thứ 2 trong nhóm tội này là Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, với mức án 19 - 20 năm tù. Ông Tuấn bị cáo buộc nhận hối lộ 27 tỉ đồng, nhiều thứ hai trong vụ chuyến bay giải cứu, sau Phạm Trung Kiên.

Ở nhóm tội đưa hối lộ, trong 24 bị cáo, người bị đề nghị án phạt cao nhất là Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) với 11 - 12 năm tù; người thấp nhất là Đào Thị Chung Thúy, lao động tự do 12 - 18 tháng tù và cho hưởng án treo. 22 trường hợp còn lại bị đề nghị từ 18 tháng tù đến 11 năm tù.

Ở nhóm "chạy án", ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội bị đề nghị 6 - 7 năm tù về tội môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bị đề nghị 19 - 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình thẩm vấn, tranh luận và khi được nói lời sau cùng tại tòa, hầu hết các cựu quan chức đều có lời biện hộ phổ biến cho hành vi nhận hối lộ là do "nhận thức đơn giản" hoặc nghĩ rằng tiền doanh nghiệp "bôi trơn" chỉ là "quà cảm ơn".

Biện minh cho hành vi nhận hối lộ 4,2 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, phân trần do "nhận thức đơn giản", được doanh nghiệp "nhớ đến mình thì cảm ơn" vì đã giúp đỡ họ tận tâm, nhiệt tình, chu đáo. Ông Linh bị đề nghị 7 - 8 năm tù.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Dư luận mong chờ những bản án nghiêm minh, đúng người đúng tội và nhân văn

Bị cáo Phạm Trung Kiên người duy nhất bị đề nghị tử hình

Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng cũng nói khi nhận tiền từ doanh nghiệp chỉ nhận thức là "quà cảm ơn". "Không có mưu đồ", "không đòi hỏi", "không nhận thức được vi phạm" là những lý do ông Dũng đưa ra để biện minh cho hành vi nhận hối lộ của mình.

Theo các chuyên gia cũng như dư luận, những mức án đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội. Là bởi, tất cả những bị cáo đều là người có trình độ, năng lực, đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, biết rõ hành vi đưa nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình nên đã thực hiện hành vi phạm tội là cố ý, không phải vô ý như một số luật sư đã nói hay như họ tự bào chữa.

Phải khẳng định, ý chí, hành động của Đảng, Nhà nước, của toàn dân ta khi đưa ra quyết sách đúng đắn, nhân văn trong đại dịch đúng với truyền thống của dân tộc: Dùng mọi khả năng có thể để đón công dân ta đang mắc kẹt trong dịch bệnh tại một số quốc gia trên thế giới về nước, không để ai lại phía sau.

Nhưng trong "tình thế cấp thiết liên quan trực tiếp sinh mệnh người dân", một số cán bộ thoái hóa, biến chất đã lợi dụng kẽ hở chính sách liên quan cấp phép "xin-cho" chuyến bay giải cứu để trục lợi.

Không suy diễn, nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra hành vi o ép, hù dọa, hứa hẹn… đòi hối lộ của những cán bộ, công chức này có biểu hiện khá "chuyên nghiệp": Cấu kết chặt chẽ "liên bộ, liên ngành " với nhau để "ra giá" thống nhất. Tệ hại hơn, có kẻ còn lợi dụng việc phạm tội đã bị phanh phui để lừa đảo chạy án kiếm chác hàng triệu đô la…

Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc các doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng giá vé máy bay, người chịu thiệt thòi ở đây là công dân Việt Nam ở nước ngoài đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và mong muốn về nước.

Sau mỗi đại án, người dân cũng đau xót khi phải chứng kiến một "mảng mầu ố xám" được vạch trần trong bức tranh phòng, chống tham nhũng. Họ - những người từng là "công bộc của dân", được Đảng, nhân dân giáo dục, đào tạo, tin tưởng trao cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, được trả lương từ mồ hôi, công sức, đóng góp của nhân dân, lại đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi từ chính sách, để vụ lợi, tham nhũng, lừa đảo. Họ đã phản bội lại Đảng và nhân dân.

Chiều nay, hội đồng xét sử sơ thẩm sẽ đưa ra phán quyết mức hình phạt đối với các bị cáo. Dư luận tin tưởng và mong chờ một bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội và triệt để với những mức án phù hợp để thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Đồng thời, qua đó tạo sự răn đe chung để xây dựng một xã hội an toàn, phát triển.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật