• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP Hồ Chí Minh: Tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông logistics

Logistics đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, hệ thống logistics TP Hồ Chí Minh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được khơi thông.

Hạ tầng “níu chân”

Hiện nay, ngành Logistics đã được TP Hồ Chí Minh xác định đóng vai trò rất quan trọng, có tác động mạnh đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Nhận thấy được tiềm năng trên, đầu năm 2022, thành phố đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành Logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên thì ngành Logistics ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn phải đối mặt với vô vàn thách thức và khó khăn.

Tiêu biểu, hạ tầng giao thông thành phố còn thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp. Tại khu vực phía Nam, đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu nhưng hệ thống giao thông đường bộ lại luôn trong tình trạng quá tải, thiếu đường cao tốc gây tắc nghẽn, gia tăng chi phí nhân lực, vật lực. Toàn vùng hiện chỉ có 3 tuyến cao tốc: TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận; Các dự án Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, tuyến Metro lại chậm tiến độ…

Cảng Cát Lái - cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển vùng Đông Nam Bộ cũng luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất và quá tải.

Cảng Cát Lái đóng vai trò quan trọng cho xuất nhập khẩu TP HCM

Cảng Cát Lái đóng vai trò quan trọng cho xuất nhập khẩu TP Hồ Chí Minh

Phải chịu tình cảnh tương tự, sân bay Tân Sơn Nhất cũng luôn phải đối diện với áp lực lượng hàng hóa khổng lồ nhưng không gian, nhân lực lại hạn chế, chưa phát triển theo mô hình ga cảng hàng không nối dài. Trong khi đó, kho bãi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đa số đều có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý hàng hóa.

Báo cáo dẫn số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) ghi nhận, hiện cả nước có khoảng 4 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, khoảng 70% số doanh nghiệp này tập trung ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, có tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.

Một hạn chế nữa phải kể đến đó là tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế cả về số lượng cũng như chất lượng; Năng lực đào tạo của các trường và người sử dụng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng.

Ngoài ra, ngành Logistics còn đang phải đối mặt với việc yếu và chậm trong ứng dụng khoa học công nghệ; Chi phí logistics còn cao so với các nước trong khu vực hay các quy định hiện hành đang chồng chéo…

Đầu tư cho tương lai

Theo nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển logistics để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì hiện nay việc kết nối vận chuyển đường bộ, đường thủy chưa đồng bộ, làm chi phí tăng cao.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đang có lộ trình cắt giảm thuế; Lưu ý về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; Tối ưu hóa các giải pháp logistics trong nội bộ doanh nghiệp và trong quá trình lưu thông, qua đó giảm thiểu rủi ro và chi phí…

Chia sẻ về giải pháp để cải thiện hoạt động logistics, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cần đẩy mạnh hạ tầng kết nối thông qua quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, hệ thống ICD, cụm cảng, bến thuỷ nội địa, các tuyến đường giao thông kết nối cảng với các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cần ban hành kế hoạch hành động chuyên đề đặc biệt để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Hiệp Phước (cạnh tranh với các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận); Đồng thời, xem xét đưa ngành Logistics vào chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn của thành phố...

Về khía cạnh phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia nhận định, nên hoàn thiện các quy chế, chính sách, bảo đảm phúc lợi cho người lao động, tạo tính cạnh tranh trong công việc và cải thiện môi trường làm việc; Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực về chất và lượng theo định hướng quốc tế để ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo, di động, người máy và máy bay không người lái, blockchain, thực tế ảo tăng cường là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển ngành.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông logistics

TP Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển ngành Logistics

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, về nguồn nhân lực logistics, Sở sẽ đóng vai trò cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp gắn kết với nhà trường để có nguồn nhân lực phù hợp với doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa bên đào tạo và bên sử dụng; Bên cạnh đó, để có nguồn nhân lực logistics cao cần phải có liên kết đào tạo quốc tế.

Trong khi đó, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn kiến nghị nên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các phương thức vận tải xanh, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững, có hình thức khuyến khích phát huy tiềm năng các tuyến vận tải thủy nội địa, vận tải thủy xuyên biên giới; Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics; Phát triển các loại hình vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nhất là với hàng quá cảnh.

Theo đánh giá chung, để giải quyết các vấn đề quan trọng của hạ tầng logistics thì việc hình thành các trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay là hết sức cần thiết.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông logistics

Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy trình triển khai thực hiện Trung tâm logistics; Triển khai dự án xây dựng Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức; Lập quy hoạch phân các khu Trung tâm logistics (Trung tâm logistics Cát Lái, Trung tâm logistics Long Bình, Trung tâm logistics Linh Trung, Trung tâm logistics Củ Chi, Trung tâm logistics Tân Kiên, Trung tâm logistics Hiệp Phước); Thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư các dự án thành lập các trung tâm logistics.

Đồng thời, thành phố cũng đầu tư nâng cấp và phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và TP Hồ Chí Minh gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt; Gắn kết đồng bộ với Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030.

Bên cạnh đó, thành phố xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải; Xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; Thiết lập bản đồ số logistics để có cơ sở dữ liệu chính thức, phục vụ cho công tác thống kê, tra cứu, hoạch định, tìm kiếm và tối ưu hóa mạng lưới logistics tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận; Nghiên cứu thành lập trung tâm xúc tiến cung cấp giải pháp công nghệ logistics để kết nối doanh nghiệp logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại.

Ngoài ra, xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chuyển giao chương trình đào tạo ngành logistics theo tiêu chuẩn quốc tế và hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết