Thỏa thuận Đối tác Chiến lược giữa Nga và Triều Tiên có hiệu lực
Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện được các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga nhất trí vào tháng 6/2024 bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4/12/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) sau buổi lễ ký kết sau cuộc hội đàm song phương tại dinh thự Kumsusan ở Bình Nhưỡng, ngày 19/6/2024. |
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên ngày hôm nay (5/12) đưa tin: "Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện" được các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga nhất trí hồi tháng 6/2024 đã có hiệu lực vào ngày 4/12 với việc trao đổi "các văn bản phê chuẩn" tại Moscow.
Thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2024 và hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung để hỗ trợ quân sự ngay lập tức nếu một trong hai bên phải đối mặt với hành vi tấn công vũ trang.
Theo KCNA, thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thiết lập trật tự thế giới đa cực độc lập, và công bằng mà không có sự thống trị, khuất phục hay bá quyền.
Văn bản của tài liệu cũng nhấn mạnh rằng, việc tăng cường quan hệ giữa Nga và Triều Tiên nhằm mục đích tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh.
Các bên bày tỏ sự tin tưởng rằng, mối quan hệ của họ sẽ góp phần ổn định các vấn đề quốc tế, tạo ra một hệ thống dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có nỗ lực bá quyền của bất kỳ bên nào.
Động thái này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Moscow và Bình Nhưỡng, vào thời điểm cả hai quốc gia đều phải đối mặt với áp lực và lệnh trừng phạt quốc tế.
Đối với Nga, việc tăng cường quan hệ với Triều Tiên là cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Đông Á, trong khi đối với Triều Tiên, đây cũng là một bước quan trọng hướng tới việc đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế đối ngoại và tăng cường sự độc lập về chính trị và kinh tế.
Văn kiện được ký kết trong khuôn khổ quan hệ đối tác này đảm bảo sự ổn định chiến lược, mà theo các nhà phân tích, có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu và một số cuộc xung đột, bao gồm cả ở Đông Âu và Bán đảo Triều Tiên.