Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 965/QÐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Một góc Hà Nội |
Thành viên Hội đồng thẩm định gồm Bộ trưởng các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Ðào tạo, Y tế; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Tổng Thanh tra Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Ðảng; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An, Ðắk Lắk.
Các chuyên gia phản biện với tư cách là Ủy viên Hội đồng gồm các chuyên gia phản biện quy hoạch và chuyên gia phản biện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư là Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trong quá trình hoạt động.
Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội quyết định.