• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Nguyên: Đối tượng “ôm bom xăng” cướp ngân hàng có thể nhận hình phạt trên 7 năm tù

Qua theo dõi thông tin vụ việc đối tượng “ôm bom xăng” cướp ngân hàng ở Thái Nguyên gây xôn xao dư luận, chuyên gia pháp lý cho rằng hành vi cướp tài sản chưa đạt của đối tượng có thể đối diện khung hình phạt trên 7 năm tù.

Ngày 1/4, Công an TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã tạm giữ hình sự đối tượng Trần Tuấn Anh (SN 1995, trú tại tổ 3, phường Hùng Vương, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra, xử lý về hành vi cướp tài sản.

Trước đó vào khoảng 17 giờ ngày 31/3, Trần Tuấn Anh mặc áo mưa chùm đầu, đeo kính đen, khẩu trang, điều khiển xe máy tới phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên. Sau khi quan sát, Tuấn Anh cầm can xăng 5 lít và 1 chai thủy tinh đi vào chi nhánh, hất xăng ra phòng giao dịch rồi dọa đốt, để cướp tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ của chi nhánh ngân hàng đã nhanh chóng khống chế, bắt giữ được đối tượng và bàn giao cho cơ quan công an.

Cảnh sát lấy lời khai của Trần Tuấn Anh – đối tượng “ôm bom xăng” cướp ngân hàng ở TP Thái Nguyên

Cảnh sát lấy lời khai của Trần Tuấn Anh - đối tượng “ôm bom xăng” cướp ngân hàng ở TP Thái Nguyên

Tại cơ quan công an, Trần Tuấn Anh khai nhận, do gia đình đang nợ số tiền khoảng 2 tỷ đồng nên đã lên kế hoạch đi cướp ngân hàng để lấy tiền trả nợ. Ngày 29/3, đối tượng mua xăng tại Phúc Yên và mang lên Thái Nguyên tìm phòng trọ thuê, sau đó lang thang tìm địa điểm gây án.

Trước khi xông vào chi nhánh ngân hàng ở phường Thịnh Đán, đối tượng lượn qua lượn lại khoảng 6 lần, qua 2 ngân hàng nhưng một ngân hàng đã đóng cửa. Thấy phòng giao dịch vắng người nên Trần Tuấn Anh đã dựng xe máy trên vỉa hè rồi vào trong thực hiện hành vi cướp ngân hàng. Hiện Công an TP Thái Nguyên đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng khống chế đối tượng cướp ngân hàng

Lực lượng chức năng khống chế đối tượng cướp ngân hàng

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Thời gian gần đây, các vụ cướp ngân hàng ngày càng gia tăng về số lượng và được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm. Đây là hành vi không chỉ xâm phạm đến tình hình trật tự xã hội mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật và sự manh động, liều lĩnh, bất chấp của đối tượng.

Theo thông tin ban đầu, trước khi thực hiện vụ cướp ngân hàng, nghi phạm đã thăm dò nhiều trụ sở ngân hàng và mua xăng để thực hiện kế hoạch cướp tài sản. Khi thấy phòng giao dịch vắng người, nghi phạm mặc quần áo mưa, bịt mặt xông vào ngân hàng, đổ xăng ra sàn rồi đe dọa, bắt nhân viên ngân hàng đưa tiền.

Căn cứ vào các dữ kiện trên cho thấy, hành vi của đối tượng có dấu hiệu của tội cướp tài sản, thể hiện ở việc đổ xăng ra sàn với mục đích đe dọa nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối với tội cướp tài sản, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà không cần căn cứ vào việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa hay giá trị tài sản là bao nhiêu.

Tuy nhiên, ngay sau khi đối tượng thực hiện hành vi đe dọa thì đã bị bảo vệ ngân hàng và người dân khống chế, bắt giữ ngay tại hiện trường. Có thể thấy, ý đồ cướp tài sản của đối tượng Tuấn Anh đã được thể hiện rõ (thông qua việc chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội) nhưng hành vi phạm tội đã không thực hiện được đến cùng do nguyên nhân ngoài ý muốn.

Đây là trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Với tội phạm cướp tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 57 và khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự, đối tượng Trần Tuấn Anh có thể đối mặt với án phạt tù cao nhất hơn 7 năm tù (bằng 3/4 mức phạt tù tối đa theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự).

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội

Cũng theo luật sư Trần Xuân Tiền, qua thực trạng về số vụ cướp ngân hàng liên tục tăng cả về số vụ cũng như mức độ hành vi nguy hiểm, có thể thấy động cơ gây án của các đối tượng phạm tội đều xuất phát từ việc nợ nần, làm ăn thua lỗ, bí bách về tài chính nên rất manh động. Do đó, đối với các đối tượng vi phạm cần kiên quyết lên án, phê phán và xử lý thật nghiêm, đưa ra hình phạt tương xứng với mức độ, tính chất hành vi.

Để chủ động trong việc ứng phó với các phi vụ cướp, phối hợp tốt hơn với các lực lượng chức năng, ngân hàng cần có các biện pháp nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng ứng phó của lực lượng bảo vệ khi có sự cố xảy ra, đặc biệt là ngay từ công tác tuyển dụng và đào tạo. Đồng thời, các ngân hàng thường xuyên tổ chức huấn luyện nhân viên khả năng bình tĩnh xử lý khi có vụ việc bất thường xảy ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan