• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Nguyên: Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính

Đối với tỉnh Thái Nguyên, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước...

Nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát thủ tục hành chính và chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia. Việc này đã giúp cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, từng bước đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Thái Nguyên: Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Nguyên Ngọc

Ông Nguyễn Thành Minh - Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên cho biết, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định cải cách hành chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh đã quyết tâm chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào các thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, nhất là các hồ sơ về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, tài nguyên môi trường, từ đó cải thiện tối đa môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Theo đó, từ đầu năm đến hết tháng 7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành 63 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Dân tộc; Công Thương; Tư pháp; Tài chính; Nội vụ; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư, với tổng số 982 thủ tục hành chính.

Trong số 982 thủ tục hành chính có 483 thủ tục hành chính ban hành mới, bãi bỏ 499 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính sau khi công bố đều được cập nhật, tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính đang có hiệu lực là 1.858 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh là 1.451 thủ tục hành chính, cấp huyện là 284 thủ tục hành chính, cấp xã là 123 thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính liên thông cùng cấp là 73 thủ tục, số thủ tục hành chính liên thông giữa các cấp chính quyền là 59 thủ tục; số thủ tục hành chính được phê duyệt quy trình nội bộ là 1.858 thủ tục hành chính.

Hiện nay, các sở, ngành liên quan của tỉnh đang triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, tổng số 53 phản ánh, kiến nghị (trong đó có 24 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; 29 phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính).

Đến nay có 52 phản ánh, kiến nghị được giải quyết xong và công khai kết quả trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định; 1 phản ánh, kiến nghị đang trong thời hạn giải quyết.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian tới, để giảm thiểu tối đa thời gian chờ giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiếp tục số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sở giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính. Tất cả với mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

 

Tác giả: Thảo Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết