• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung khai thác lợi thế từ sông Sài Gòn

TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch dọc hai bờ sông Sài Gòn. Nếu xây dựng được một quy hoạch cụ thể, rõ ràng để khai thác hết hiệu quả từ lợi thế sông nước vốn có dọc hai bờ, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Những lợi thế lớn

Sở hữu mạng lưới gần 1.000km đường sông, kênh, rạch phân bố trên toàn địa bàn, trải dài từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc nên TP Hồ Chí Minh có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch dọc hai bờ sông.

Tuy nhiên trên thực tế, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có một quy hoạch cụ thể, rõ ràng để khai thác tiềm năng kinh tế từ nguồn lợi thiên nhiên này.

Cụ thể, quỹ đất dọc hành lang bờ sông Sài Gòn (từ 30 - 50m từ mép sông) chưa được thiết lập các hệ thống tiện ích, không gian dịch vụ công cộng và cảnh quan dọc bờ sông còn hạn chế; việc quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn còn manh mún, chưa đồng bộ.

Một số khu vực có tiềm năng lớn dọc bờ sông như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Thảo Điền (TP Thủ Đức), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… vẫn chưa hoàn chỉnh, quỹ đất dọc hai bờ sông phần lớn đều bị lấn chiếm.

Đồng thời, dọc hai bờ sông Sài Gòn đoạn từ công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1) cho tới cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) hiện nay được xem là khúc sông đang được khai thác dịch vụ, thương mại sôi động.

Tại đây, sau khi công viên bến Bạch Đằng được hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2022, ngay lập tức đã thu hút nhiều khách du lịch và người dân đến tham quan.

Sông Sài Gòn sở hữu nhiều lợi thế lợi

Nhiều nhà hàng, khách sạn quanh khu vực sông Sài Gòn thu hút đông đảo khách du lịch và người dân

Từ công viên bến Bạch Đằng đi ngược về phía cầu Bình Lợi là hàng loạt nhà hàng, khách sạn ven sông khai thác kinh tế dựa vào không gian ven bờ sông Sài Gòn như: Khách sạn Majestic Sài Gòn (phường Bến Nghé, Quận 1); khách sạn Mia Sài Gòn (phường An Phú, TP Thủ Đức); nhà hàng The Deck Saigon (TP Thủ Đức); nhà hàng Lan Anh Village (phường Bình An, TP Thủ Đức); nhà hàng Buffet Tân Cảng (Phường 25, quận Bình Thạnh); nhà hàng Sân bườn bên sông (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức)…

Theo ghi nhận, tất cả các mô hình dịch vụ nhà hàng, khách sạn đang hoạt động rầm rộ, dựa vào không gian hai bờ sông Sài Gòn đều do các đơn vị tư nhân quản lý.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu TP Hồ Chí Minh có được một quy hoạch chiến lược xây dựng và khai thác bài bản cho sông Sài Gòn thì tiềm năng kinh tế dọc hai bên bờ sông nói chung và mô hình nhà hàng, khách sạn nói riêng hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi không hề nhỏ cho ngân sách hàng năm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch của TP, đặc biệt là sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh định hướng kinh tế dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng, là ngành đem lại giá trị cộng thêm cho nền kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái đô thị.

Do đó, TP Hồ Chí Minh xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông gồm: Giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao; các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo...

Quy hoạch cho tương lai

Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2025 sẽ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ công cộng thí điểm, hạ tầng xanh đa chức năng thí điểm; lập và điều chỉnh quy hoạch các khu vực trọng điểm (tập trung tại khu vực trung tâm thành phố); hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông tại các khu vực hiện hữu, tiềm năng.

Từ năm 2025 - 2045, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đầu tư xây dựng công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, đô thị, song song với việc điều chỉnh quy hoạch theo từng giai đoạn phát triển để phù hợp với thực tiễn.

TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tập trung quy hoạch lợi thế của sông Sài Gòn

Để đạt được mục tiêu đề ra, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 3 giải pháp chính, gồm: Giải pháp về nguồn lực, xây dựng cơ chế tài chính, tích hợp các nguyên tắc tài chính, đất đai đặc thù (tạo quỹ đất đấu giá thông qua các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị); giải pháp về quản lý thực hiện, khuyến khích và tạo điều kiện hợp tác công - tư, trước mắt ưu tiên đầu tư tại khu vực trung tâm văn hóa lịch sử hiện hữu, đầu tư các công trình hạ tầng hiện có như đường sắt đô thị, cầu qua sông, đường ven sông...; giải pháp kỹ thuật, phân vùng không gian kiến trúc cảnh quan thượng lưu, trung lưu, hạ lưu và nguyên tắc thiết kế không gian mang đặc trưng và hiện trạng mỗi vùng, phát huy tối đa giá trị dòng sông.

Tập trung khai thác lợi thế từ sông Sài Gòn

Được biết, sông Sài Gòn được chia thành hai vùng, gồm: Vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (Quận 12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp - Quận 7).

Từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước.

Đồng thời, từ năm 2025 đến 2045, thành phố triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch dọc sông.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết