• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ninh thành lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ nhà đầu tư

Tổ công tác của Quảng Ninh do ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, tổng hợp, xử lý khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư.

Ngày 5/7, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương vừa quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà đầu tư.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tổ công tác đặc biệt do ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm Tổ trưởng. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó. Các thành viên gồm thủ trưởng nhiều Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân khác…

Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo việc tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà đầu tư có dự án trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác đặc biệt do quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy làm Tổ trưởng

Tổ công tác đặc biệt do quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy làm Tổ trưởng

Cùng với đó là theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây khó khăn.

Tổ công tác còn có quyền yêu cầu các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh và UBND các địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc.

Tổ công tác đặc biệt được tỉnh Quảng Ninh thành lập trong bối cảnh kinh tế địa phương có tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm, đạt 9,46%, đứng thứ 4 cả nước; Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn khiêm tốn khi chỉ đạt 21,3%, cao hơn bình quân chung cả nước nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2022.

Chủ động nguồn vật liệu san lấp mặt bằng

Tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây, ông Phạm Hồng Biên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân tác động làm chậm tiến độ nhiều dự án hạ tầng trên địa bàn tỉnh, kéo lùi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là việc thiếu vật liệu san lấp. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước hiện nay.

Để giải quyết vướng mắc này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch các mỏ đất, đá phục vụ san lấp các dự án đầu tư công, đảm bảo gần nhất với vị trí công trình.

Đặc biệt, tỉnh có định hướng sử dụng đất đá tuần hoàn, đất đá thải mỏ từ hoạt động khai thác than để làm vật liệu san lấp. Đây là nguồn tài nguyên lớn của Quảng Ninh với trữ lượng hơn 1,3 tỷ m3 và vẫn tăng khoảng 150 triệu m3 mỗi năm.

Ông Phạm Hồng Biên khẳng định, việc sử dụng đất đá thải mỏ là chủ trương mà tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị nhiều lần với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đã được phê duyệt, cấp phép 1 số mỏ khu Nam Tràng Bạch, mỏ Suối Lại; Tới đây, tỉnh sẽ thêm một số điểm ở Cẩm Phả. Nguồn đất đá thải mỏ phục vụ cho các công trình, đặc biệt là dự án hạ tầng các khu công nghiệp đều đảm bảo nguồn cung ứng và tiến độ.

Một điểm nhấn tích cực khác trong kết quả phát triển kinh tế của Quảng Ninh đó là việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được trên 832 triệu USD, bằng 63% kế hoạch. Dòng vốn được đánh giá sẽ tiếp tục gia tăng trong 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, vấn đề mà một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải đó là tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, không kịp đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, chủ đầu tư khu công nghiệp Sông Khoai tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên, cho biết, đơn vị đã hoàn thành 90% khối lượng lấp đầy khu công nghiệp Sông Khoai giai đoạn I và đang khẩn trương tập trung đầu tư hạ tầng cho giai đoạn II và III của dự án.

“Trong năm nay, khu công nghiệp Sông Khoai dự kiến sẽ đón trên 1 tỷ USD vốn đầu tư. Các nhà đầu đang tiến hành đặt cọc, giữ chỗ rất nhiều. Công ty đang cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên những vị trí lô đất đã có nhà đầu tư lựa chọn", ông Nhân cho hay.

Castem Việt Nam là nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai

Castem Việt Nam là nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào khu công nghiệp Sông Khoai

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Castem Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất (45 năm) để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác, với trị giá gần 19 triệu USD. Đây là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào khu công nghiệp Sông Khoai.

Ngoài ra, khu công nghiệp này đón nhận dòng vốn gần 250 triệu USD từ tập đoàn Foxconn của Đài Loan xây dựng 2 nhà máy trị giá gần 250 triệu USD.

Hai dự án này dự kiến giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động cho địa phương, đồng thời nâng số dự án của tập đoàn tại Quảng Ninh lên 3 dự án với tổng số vốn trên 300 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật