• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Ghi nhận thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục Thủ đô, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Ngày 12/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 - 2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

Tại lễ kỷ niệm, Sở GD&ĐT Hà Nội vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ GD&ĐT; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh thành bạn; lãnh đạo các Quận, Huyện, Thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã; các vị khách quốc tế.

Hành trình 70 năm vươn mình bứt phá

Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp đặc biệt để nhìn lại hành trình phát triển kể từ giai đoạn khởi đầu đầy gian khó, từng bước chuyển mình và đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thống nhất đất nước, mạnh mẽ, tự tin và vươn mình bứt phá trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương ôn lại hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Giáo dục Thủ đô
70 năm qua, với những nỗ lực không ngừng, ngành GD&ĐT Thủ đô đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu của Đảng và Nhà nước, trong đó 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, các cơ sở giáo dục cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý...

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã ôn lại trang sử từ khi ngành Giáo dục khai sinh với không ít gian khó nhưng đầy sôi nổi và nhiệt huyết với những lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ.

Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của Nhân dân lao động bị thất học, khoảng gần 90% người dân Hà Nội chưa biết chữ. Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong bom rơi, đạn nổ, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm lo cho các thế hệ tương lai.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội nhận thức rõ về vị thế là trung tâm văn hóa, giáo dục; là “trái tim” của cả nước, cần phải nỗ lực phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ năm 1986, với mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Đặc biệt, kể từ ngày 1/8/2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng với việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và một phần của huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hoà Bình. Từ thời điểm đó, Hà Nội có gần 2.600 trường mầm non, trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần 1,8 triệu học sinh. Cũng từ đó, Giáo dục Thủ đô có sự hội tụ đa dạng của các vùng sáp nhập. Trên nền tảng này, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1990, phổ cập trung học cơ sở từ năm 1999.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Hơn 3.500 đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Có thể nói, sự phát triển của giáo dục Hà Nội trên hành trình 70 năm truyền thống cũng chính là tấm gương phản chiếu cho sự lớn mạnh của Thủ đô. Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.

Hằng năm, thành phố dành nguồn lực tương xứng bảo đảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã bố trí hơn 30.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 653 dự án trường học trên địa bàn. Các cơ chế, chính sách đối với Giáo dục Hà Nội đều được quan tâm và cao hơn so với trung bình của cả nước. Công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kiểm soát tốt các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực GD&ĐT. Trong những năm gần đây, thành phố không có vấn đề nóng, gây bức xức dư luận về GD&ĐT.

Trải qua 70 năm phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trong đó gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 23 trường chất lượng cao; 120 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên. Triển khai thực hiện Chương trình số 06, ngày 17/3/2021 của Thành ủy, thành phố đã và đang tập trung đầu tư xây dựng 8 trường liên cấp có quy mô từ 5ha trở lên.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập, ngành GD&ĐT Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành: Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô”; tôn vinh 70 Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo; cuộc thi “Sáng tác ca khúc dành cho học sinh”; cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024; các hội thi giáo viên dạy giỏi; thi học sinh giỏi; các hoạt đông tri ân với các thế hệ thầy giáo, cô giáo; các công trình phần việc mà ngành GD&ĐT Thủ đô, các cấp đã tổ chức từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục là những đóa hoa muôn sắc màu dâng lên 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

70 năm vững vàng với chủ trương xây dựng nhà giáo không ngừng rèn đức, luyện tài, Hà Nội giờ đây có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đông đảo hơn, chất lượng hơn. Tính đến nay, toàn ngành có gần 130.000 giáo viên các cấp học, ngành học; 342 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”. Đây chính là nguồn lực quan trọng để thành phố thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả và tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập; chung sức vì sự phát triển của Thành phố sáng tạo, Thành phố học tập toàn cầu.

Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, thành phố Hà Nội không những phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận thành phố Hà Nội là Thành phố học tập - trở thành thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, chúng ta vui mừng với những kết quả, thành tích đã đạt được nhưng chúng ta của thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về một số hạn chế, vấn đề còn băn khoăn, trăn trở trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô như: Cơ sở vật chất phục vụ GD&ĐT ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu, thực tiễn xã hội; chất lượng giáo dục tại các trường ở ngoại thành và các trường nội thành còn chênh lệch; vấn đề bạo lực học đường; nhịp sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa...

Khẳng định kỷ niệm 70 năm không chỉ là cột mốc kỷ niệm mà còn là cơ hội để khẳng định sứ mệnh và định hướng phát triển của giáo dục Hà Nội trong tương lai, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: “Toàn ngành GD&ĐT Thủ đô hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử cách mạng Hà Nội và lịch sử truyền thống của ngành 70 năm qua, luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đem hết sức mình phục vụ, đất nước, phục vụ Nhân dân; quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phấn đấu phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trong đó: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục, đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú tới giáo viên tiêu biểu của Thủ đô

Thủ đô phải hướng tới nền giáo dục thanh lịch

Hiện nay, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, có mạng lưới trường, lớp đang không ngừng được mở rộng, ngày càng khang trang hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận: Giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân Thủ đô, cả giáo dục chính khóa và giáo dục thưởng xuyên, cả nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài. Hà Nội là một trong những nơi tích cực và triển khai một cách bài bản, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm

Nhấn mạnh đến việc giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ rõ: “Nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới nền giáo dục thanh lịch. Trong đó trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó, hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Đối với các nhà giáo Thủ đô, tôi chúc mừng các thầy cô được công tác tại hệ thống giáo dục với tất cả sự vinh dự và tự hào. Làm nhà giáo là công việc cao quý và vinh dự, nhà giáo Thủ đô càng vinh dự và tự hào. Ngoài những phẩm chất, năng lực, kỹ năng của nhà giáo nói chung để tạo dựng được nền giáo dục Thủ đô thanh lịch, bản thân chúng ta càng cần phải tiêu biểu, càng cần phải thanh lịch một cách mẫu mực. Đó là điều rất cao nhưng cũng là kỳ vọng, sự phó thác của ngành và của Thủ đô. Mong chúng ta đã nỗ lực càng nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng lớn đó”.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Dịp này, 55 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành GD&ĐT Thủ đô trong 70 năm qua, phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã dành cho thầy và trò Thủ đô nhiều lời nhắn nhủ ý nghĩa; đồng thời giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới. Để làm được điều đó, ngành GD&ĐT Thủ đô phải vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục thành phố

“Tôi đề nghị trong thời gian tới và ngay từ năm học 2024 - 2025 này, ngành Giáo dục Thủ đô cần quan tâm, thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể: Chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học (bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ), làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học; gắn học với hành, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Ngành phát động và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, tôi đề nghị ngành Giáo dục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn tới các học sinh hoàn cảnh khó khăn để học sinh được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại chương trình

Ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao; chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn và thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong nhà trường; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc, đóng góp của các thầy giáo, cô giáo ngành GD&ĐT​​​​​​​ Thủ đô đã đạt được: Chủ tịch nước đã có các Quyết định: Số 1582/QĐ-CTN ngày 25/12/2023; số 612/QĐ-CTN ngày 27/6/2024; số 613/QĐ-CTN ngày 27/6/2024 về việc phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

Trong đó, ngành GD&ĐT​​​​​​​ Thủ đô vinh dự có 1 “Nhà giáo Nhân dân” và 55 “Nhà giáo Ưu tú”.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật