• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thuế TNDN (sửa đổi) chưa đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, hồ sơ Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) chưa đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Chiều 03/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Báo cáo tóm tắt về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, về ưu đãi thuế TNDN, dự thảo Luật bổ sung quy định về các nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với: Trường hợp có nhiều văn bản cùng quy định; trường hợp doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi thuế khác nhau; áp dụng ưu đãi thuế theo tiêu chí địa bàn hay trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; trường hợp được bổ sung thêm vào diện ưu đãi khi pháp luật thay đổi; về kỳ tính thuế hưởng ưu đãi đầu tiên dưới 12 tháng; việc kế thừa các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến ưu đãi thuế trong trường hợp doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi chủ sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Dự thảo Luật quy định chi tiết về đối tượng ưu đãi thuế TNDN (ngành, nghề, địa bàn và các hoạt động được ưu đãi) trên cơ sở cơ bản kế thừa quy định pháp luật hiện hành nhưng có rà soát nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách ưu đãi thuế.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí đối với những trường hợp được xem xét kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi; về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp; về tiêu chí ưu đãi và việc áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng…

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ lần hai đối với dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, hồ sơ này chưa phù hợp về thủ tục luật pháp để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, chính sách ưu đãi TNDN là vấn đề then chốt của Luật Thuế TNDN. Trước tiên, đây là chính sách quan trọng để khuyến khích, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, tình hình mới với các làn sóng cạnh tranh, thu hút đầu tư mạnh mẽ trong khu vực và toàn cầu. Vì vậy, Chính phủ cần hoạch định các chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi thuế TNDN một cách rõ ràng và tổng thể, tạo cơ sở vững chắc để thể hiện trong dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) cũng như các Luật chuyên ngành khác đang được thảo luận một cách nhất quán.

Để có cơ sở trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần có sự thống nhất trong các cơ quan của Chính phủ về các chính sách khuyến khích đầu tư để có phương án thể hiện một cách phù hợp trong dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, liên quan đến Luật Đầu tư, các luật chuyên ngành hiện hành cũng như các dự án Luật chuyên ngành khác đang được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua trong kỳ họp này cũng như thời gian tới. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan (hiện hành và các dự thảo Luật đang được trình Quốc hội) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với chính sách ưu đãi thuế TNDN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại Phiên họp

Kết luận phiên thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp khi đủ điều kiện;

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến của UBTVQH nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, đặc biệt lưu ý các yêu cầu: thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, các mục tiêu, quan điểm thể hiện trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; bảo đảm nguyên tắc chỉ luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không đưa vào luật các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, các nội dung phải thường xuyên điều chỉnh, sửa đổi; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế, nhất là các biện pháp khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư trong pháp luật về đầu tư.

Chính phủ cũng cần tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ các ý kiến của cơ quan thẩm tra về hồ sơ dự án luật, tính cụ thể, đơn giản và khả thi của các quy định trong dự thảo Luật, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định về người nộp thuế, thu nhập được miễn thuế, doanh thu tính thuế, chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật