• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Điện lực (sửa đổi): Quyết sách đúng đắn, tạo 'đòn bẩy' phát triển kinh tế - xã hội - Bài 3

Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo sự đột phá phát triển mới.

Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, phát triển năng lượng tái tạo

Thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng. Đơn cử, Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có định hướng một số chủ trương lớn: “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”; “Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, diện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác…”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thảo luận tại Tổ liên quan đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó đã nêu rõ “thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng”.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”, nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Thực tiễn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương luôn bám sát và có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ban hành hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; giữ vững an ninh năng lượng trong bối cảnh nhu cầu tăng nhanh; phát triển hạ tầng năng lượng, hệ thống điện đảm bảo cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phát triển một số yếu tố của thị trường năng lượng cạnh tranh; thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển dịch năng lượng theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi nhiều Luật mới, ban hành các Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực năng lượng, điện lực. Chẳng hạn, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đặc biệt, Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ban hành ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, trong đó chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực điện lực, bao gồm cả các nội dung về thể chế và đề nghị nhiều biện pháp, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc nêu trên.

Tại Nghị quyết số 937 đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp: Rà soát, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bao gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.

Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, hoạt động điện lực trong nước cần phải có những điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, đột phá trước tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số; xu thế về chuyển dịch năng lượng trên thế giới cũng như những cam kết quốc tế về giảm phát thải cacbon. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với việc đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Theo đó, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt trong điều hành; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và những tồn tại, hạn chế như thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp trong sản xuất điện.

Hay, Luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ…

Từ việc sửa đổi Luật sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới trong nước, quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

Một trong các mối quan tâm lớn hiện nay đó là phát triển điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo. Nghị quyết số 55-NQ/TW có nêu “xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo...”. Cụ thể hóa quan điểm này, tại điểm a khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nêu rõ: “Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với từng loại hình điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ…”.

Dự thảo đã đưa ra các quy định khung về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án điện gió ngoài khơi từ khâu khảo sát, giao khu vực biển, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra, chấp thuận đưa công trình vào khai thác sử dụng, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi, điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các quy định khung như Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ của dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển điện gió ngoài khơi như bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện, hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất, các chính sách hỗ trợ cho điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, các chính sách ưu đãi cho điện năng lượng mới…

Các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển đối với từng loại hình điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật. Dự thảo đã nêu nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 33. Trong quá trình quản lý và theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quy định quy mô của các nguồn điện này cho phù hợp, đơn giản hoá các thủ tục nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát phát triển để tránh lãng phí các nguồn lực. Đối với quy định tại khoản 4, việc các tổ chức, cá nhân phát triển nguồn điện để nhằm mục đích là tiêu thụ cho chính nhu cầu của mình, trường hợp có dư (tuỳ theo từng thời điểm) sẽ được phát lên hệ thống điện quốc gia. Việc mua bán điện dư (nếu có) thực hiện theo quy định pháp luật về giá phát điện,

Đáng chú ý, các chính sách trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, tập trung vào các quy định về khảo sát lập dự án, trình tự, thủ tục về đầu tư; xây dựng, các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia các dự án D; có cơ chế đặc thù để các doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi nhằm chủ động trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại những khu vực biển nhạy cảm.

Dự thảo quy định nguyên tắc về cơ chế bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu đối với nhà máy điện gió ngoài khơi để hỗ trợ thu xếp vốn vay, vì các dự án điện gió ngoài khơi nói chung sẽ có quy mô và vốn đầu tư lớn. Giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ phù hợp với mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư trong từng thời kỳ.

Dự thảo Luật quy định căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch, kế hoạch về phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục các khu vực thu hút đầu tư và cho phép khảo sát để nghiên cứu đầu tư dự án. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển quyết định giao khu vực biển để khảo sát nghiên cứu phát triển dự án theo quy định.

Về lựa chọn đơn vị thực hiện khảo sát, sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển trong từng thời kỳ. Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nếu có đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì sẽ được lựa chọn để giao khu vực biển thực hiện khảo sát.

Để đảm bảo nguyên tắc áp dụng pháp luật đồng bộ, về cơ bản dự thảo Luật Điện lực vẫn quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, có sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư (Điều 31, 32) để bổ sung thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với loại hình dự án điện gió ngoài khơi.

Để hạn chế việc chuyển nhượng, mua bán dự án mất kiểm soát, ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp điện, dự thảo Luật Điện lực quy định việc chuyển nhượng phần cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong dự án điện gió ngoài khơi.

Những điểm bổ sung mới để thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này cũng đáng chú ý. Để thúc đẩy hơn nữa việc triển khai và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là cấp độ bán lẻ điện cạnh tranh, tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã tập trung sửa đổi nội dung theo hướng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thị trường điện thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế mua bán điện mới, xu hướng tiêu thụ điện “sạch” của khách hàng.

Cụ thể, bổ sung quy định về nguyên tắc tái cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực; bổ sung quy định về hợp đồng kỳ hạn điện áp dụng trong thị trường điện, đây là cơ chế để quản lý rủi ro cho các đơn vị tham gia thị trường; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, do Luật Điện lực hiện hành chưa có quy định cụ thể về nội dung này.

Bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện để thúc đẩy hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; bổ sung quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay, trong các trường hợp (thiên tai, chiến tranh, mất cân bằng cung - cầu hệ thống điện) và thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc tạm ngừng, khôi phục lại hoạt động của thị trường điện giao ngay.

Bổ sung quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc, hoạt động, trình tự tham gia của cơ chế này, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn có mong muốn mua điện xanh, sạch.

Ngoài ra, chính sách giá điện tại dự thảo Luật đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, cụ thể: Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền; giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Ngoài các loại hình điện truyền thống, dự thảo Luật quy định thẩm quyền liên quan quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng để đảm bảo có cơ chế phù hợp trong phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong việc cung cấp điện, an ninh hệ thống điện.

Hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực, tạo động lực phát triển kinh tế

Đề cập đến cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới tại phiên họp tổ của Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đặc thù ở đây là đi ngược với Luật cạnh tranh, Luật Thương mại. Nếu là thương mại thì “lời ăn lỗ chịu”, cạnh tranh cũng là như thế. Nhưng đối với lĩnh vực điện lực, nếu không đưa ra sản lượng điện tối thiểu cho một loại hình nguồn điện (điện nền, điện khí, hay trong tương lai có thể là điện hạt nhân) thì không thể nào triển khai được.

Sửa đổi toàn diện Luật Điện lực - Ảnh: QH
Sửa đổi Luật Điện lực thúc đẩy ngành điện phát triển bền vững, hướng tới Net Zero vào năm 2050

Theo Bộ trưởng, cho đến giờ, Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII đã công bố đến hơn 1 năm nhưng các nhà đầu tư rất uể oải. 11/13 dự án đã chọn được nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn chờ, nghe ngóng chứ không dám làm, bởi vì họ có làm thì cũng không tìm được các nguồn tài trợ về vốn. Cùng với đó, đầu tư một nhà máy với nguồn vốn rất lớn thì phải có phương án thu hồi vốn.

Như vậy, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này phải giải quyết được bài toán là có cơ chế đặc thù và giao cho Chính phủ quy định cơ chế đặc thù - Bộ trưởng nói.

Cụ thể, là quy định sản lượng điện tối thiểu, bao tiêu sản lượng điện tối thiểu cho những dự án điện nguồn, điện nền tập trung. Tiếp theo, phải chấp thuận giá khí theo giá thị trường và như vậy giá điện cũng phải theo giá thị trường. Cho nên Luật lần này có quy định rất rõ, phát triển thị trường điện trên cả 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh. Một số nguồn điện nền rất cần có những cơ chế đặc thù thì phải quy định.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, những cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở 3 cấp độ (cơ chế thị trường) nhưng phải có sự quản lý của nhà nước. Chúng ta khác với các nước, nhất là vấn đề giá sản xuất, giá kinh doanh điện, phí truyền tải, điều độ…

Liên quan đến giá điện, Bộ trưởng cho hay, thực tế giá điện của chúng ta hiện nay chưa phản ánh đúng, phản ánh đủ giá thành điện năng, chúng ta mới cơ bản tính được giá sản xuất ở thị trường giao ngay với so sánh với giá bán ra theo quy định của Nhà nước, một loại giá nhưng 6 bậc.

Bộ trưởng giải thích, thực tế giá, phí truyền tải điện rất lớn, đơn cử như hệ thống truyền tải từ Ninh Thuận kéo ra phía Bắc, ngoài chi phí đầu tư hệ thống truyền tải, chi phí hao hụt đường dây, chi phí điều độ vận hành hệ thống điện cộng vào mới ra giá sản xuất, giá thành điện năng. Nhưng thực tế, từ trước đến nay hệ thống truyền tải do nhà nước đầu tư, EVN hưởng lợi từ cơ chế này, giá và phí truyền tải có được tính trong giá thành điện năng nhưng tỷ lệ rất thấp, vào khoảng 5-7% trong cơ cấu giá điện, trong khi thực tế giá và phí truyền tải, điều độ, vận hành hệ thống điện phải chiếm khoảng 30%, điều này mới đúng bản chất của giá thành.

“Trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo phải từng bước bóc tách, ngay cả cơ chế giá thì phải là giá điện 2 thành phần (giá điện năng và giá công suất). Như vậy, khách hàng không sử dụng điện nhưng đã tham gia vào lưới điện là phải trả một loại phí để duy trì an toàn, còn khách hàng dùng hết bao nhiêu thì trả bấy nhiêu”- Bộ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh thêm, khung giá theo giờ thị trường cũng vậy. Lúc nắng nhiều thì giá điện rẻ, nhưng đến khi hết nắng, hết gió hoặc những lúc phải dùng nguồn điện nền giá cao thì phải chấp nhận giá cao.

“Phải từng bước bóc tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng, chừng nào bóc tách ra được và cân đối tương đối phù hợp thì mới có nhà đầu tư trong lĩnh vực truyền tải”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.

Bộ trưởng cũng cho biết, cơ quan soạn thảo sửa điểm 2, Điều 4 của dự thảo Luật từ tháng 9/2023 nhưng đến giờ không có một nhà đầu tư nào hỏi đến chuyện đầu tư về hệ thống truyền tải. Bởi họ thấy mức phí truyền tải rất thấp, trong khi đó, đầu tư rất cao và rủi ro vận hành hệ thống lại rất lớn, cho nên không ai làm.

Do vậy, chúng ta phải sửa, phải bóc tách từng bước giá và phí truyền tải, phí điều độ hệ thống điện ra khỏi giá thành điện năng, cân đối để làm sao đủ điều kiện, đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Cùng với đó, cơ chế để có thể quyết định chủ trương đầu tư đối với những công trình điện khẩn cấp được phép chỉ định, được phép giao, nếu không thì rất chậm.

ĐBQH Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH Điện Biên

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã rất tích cực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Với tinh thần đầu tư cho phát triển điện lực phải “đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở để phát triển mọi lĩnh vực, ngành kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.

Từ góc độ là đại biểu của tỉnh Điện Biên, vùng miền núi cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đại biểu thống nhất cao với nội dung dự thảo Tờ trình của Chính phủ khi đánh giá về tình hình đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.

Theo đại biểu, hiện nay còn rất nhiều thôn (bản), một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính.

Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn nên đại biểu hoàn toàn đồng tình với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhất là những quy định về ưu tiên phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Các quy định về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong dự thảo Luật đã khá rõ ràng, từ việc yêu cầu bảo đảm cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ các nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; quy định các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, vốn tự có để đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể hỗ trợ đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện cho các đối tượng như: Hộ nghèo ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hộ gia đình có người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng ủng hộ các chính sách cụ thể được thể hiện trong dự thảo Luật như: Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nguồn, lưới điện cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ là khuyến khích như thế nào, bằng cách nào, quy trình, thủ tục ra sao, căn cứ lợi ích tổng thể của dự án; nghiên cứu quy định ưu tiên (so với các vùng, miền, địa phương khác) trong việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư của nhà nước, kể cả vốn tài trợ quốc tế từ chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) rõ ràng, cụ thể hơn cho các dự án điện ở khu vực còn nhiều khó khăn này.

Ngoài ra, để tăng cường tính khả thi của chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đại biểu đề nghị thiết kế khoản 9 Điều 5 tương tự như khoản 8 Điều 5 của dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Về việc cho phép doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (điểm c khoản 1 Điều 42), hiện tại, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (điểm c Khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật).

Để đảm bảo thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên.

Việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro nếu có. Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án.

Chính phủ đã đánh giá các điều kiện về đảm bảo thi hành Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi thông qua; theo đó đã dự kiến các cơ quan có trách nhiệm triển khai Luật, nguồn kinh phí, nguồn nhân lực và cách thức để triển khai. Vì vậy, cơ bản đảm bảo các điều kiện để thực thi Luật Điện lực (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết