Hôm nay (23/10), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc
Sáng 23/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào lúc 7h15, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào lúc 8h, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị.
Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đến 9h sáng cùng ngày sẽ họp phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 (15 ngày), từ ngày 23/10 - 10/11; đợt 2 (7 ngày), từ ngày 20 - 28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 22 ngày.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV |
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thực hiện khối lượng công việc rất lớn, xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Kỳ họp đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm cũng như hằng năm.
Ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Cùng với đó, Quốc hội cũng thực hiện công tác xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội; tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.
Trong đó, Quốc hội có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026).
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: Kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Cũng ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo công tác tư pháp của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án năm 2023.
Về công tác giám sát, Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4…
Đặc biệt, ngay đầu kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để tiến hành công việc quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.