• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học sinh Hà Nội tiếp cận với sân khấu tuồng qua vở diễn “Chiếc bóng oan khiên”

Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) đã phối hợp cùng nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức cho học sinh xem biểu diễn tại rạp Hồng Hà.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội về việc giới thiệu nghệ thuật truyền thống với khán giả trẻ, đặc biệt là các vở diễn gắn với các tác phẩm trong chương trình học của học sinh các cấp, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã phối hợp cùng nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức cho học sinh xem biểu diễn tại rạp Hồng Hà.

Học sinh Hà Nội tiếp cận với sân khấu tuồng qua vở diễn “Chiếc bóng oan khiên”

Học sinh trường THCS Thành Công hào hứng khi được xem vở tuồng dân gian "Chiếc bóng oan khiên"

Sáng 18/5, học sinh trường THCS Thành Công đã được xem vở tuồng dân gian “Chiếc bóng oan khiên”.

Tuồng là một loại hình sân khấu truyền thống được hình thành từ rất lâu đời; Dùng hát, múa, diễn theo phương pháp ước lệ tượng trưng cao do dàn nhạc đệm phụ họa, dùng thể văn xuôi, văn biền ngẫu và các thể thơ có niêm luật chặt chẽ, với nội dung đề cao tư tưởng trung quân ái quốc, trọng đạo lí, tinh thần hi sinh vì nghĩa lớn.

Để giới thiệu loại hình sân khấu truyền thống này đồng thời đem tác phẩm văn học trong chương trình THCS đến gần học sinh hơn, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình và trường THCS Thành Công đã tổ chức buổi ngoại khóa cho học sinh THCS xem vở tuồng “Chiếc bóng oan khiên” và giao lưu, trò chuyện với các nghệ sĩ biểu diễn.

Vở diễn được xây dựng từ tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” trích trong “Truyền kì mạn lục” của danh sĩ Nguyễn Dữ. Một tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình THCS.

Đến với rạp Hồng Hà, có nhiều bạn học sinh lần đầu được tiếp cận với loại hình sân khấu dân gian này, các con rất háo hức. Trong suốt buổi diễn, học sinh chăm chú theo dõi những giọng hát khác nhau: Nói lối, hát nam, hát khách, xướng bạch, ngâm, những hoạt cảnh, nhân vật mang tính cách đặc trưng…

Mỗi giọng hát vang lên trong cảnh hoạt cảnh, nhân vật mang tính cách đặc trưng… trong hoàn cảnh khác nhau đã đem đến cảm nhận sâu sắc về tác phẩm.

Học sinh Hà Nội tiếp cận với sân khấu tuồng qua vở diễn “Chiếc bóng oan khiên”

Qua buổi biểu diễn, các em học sinh được bồi đắp thêm tình yêu với nghệ thuật sân khấu truyền thống

Vở diễn “Chiếc bóng oan khiên” đã nói lên thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, mang theo âm hưởng hùng tráng về người phụ nữ tận trung báo quốc đồng thời đem lại bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc… Vở diễn đã đem lại cho giáo viên, học sinh một cảm nhận sâu sắc về tác phẩm, một trải nghiệm thú vị với nghệ thuật tuồng.

Qua buổi diễn, học sinh được giao lưu, đưa ra những câu hỏi nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về tình yêu nghề của nghệ sĩ, về một loại hình sân khấu truyền thống giàu ý nghĩa cần bảo tồn. Học sinh TrịnhTuấn Khang - lớp 8A7 băn khoăn: “Một vở diễn 2 tiếng trên sân khấu thì phải luyện tập và phối hợp tập luyện trong bao lâu?”.

Các nghệ sĩ cho biết: Một vở diễn để lên được sân khấu trong 2 tiếng đồng hồ là công sức của tập thể diễn viên, dàn nhạc, biên kịch… phải luyện tập, phối hợp, gia công trong khoảng 60 ngày. Câu trả lời của các nghệ sĩ tuồng khiến chúng ta thêm trân trọng và nhận thấy rõ hơn ý thức cần gìn giữ, lan tỏa, làm sống dậy những giá trị văn hóa trong nghệ thuật sân khấu dân gian.

Sau buổi diễn, học sinh Trần Đức Hoàng - lớp 8A7 chia sẻ cảm xúc: “Em rất ấn tượng với vở diễn ngày hôm nay, các nghệ sĩ đã diễn rất cảm xúc và chân thực. Vở tuồng thật sự có ý nghĩa với học sinh chúng em vì rất gần gũi tác phẩm trong chương trình SGK đang học”.

Hi vọng nghệ thuật tuồng sẽ đến được với học sinh để các em hiểu và thêm yêu một loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan