• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Nhằm tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã triển khai nhiều đợt kiểm tra toàn diện. Qua đó, đơn vị phát hiện và xử lý hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng với số lượng lớn thực phẩm không đảm bảo. Đây là nỗ lực nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ người tiêu dùng trong bối cảnh tình trạng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc đang gia tăng.

Tràn lan vi phạm

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Dương Thị Liên, Lô C53-04 Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội phát hiện trên 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dán nhãn của các nhãn hàng khác nhau.

Trong đó, 18.165 hũ yến chưng dán tem nhãn yến chưng Minh Gia Bảo, 5.670 hũ yến chưng dán tem yến chưng Trí Việt, 69.510 hũ yến chưng chưa dán tem nhãn và hơn 5kg nhãn mác Công ty TNHH Yến Trí Việt. Tại thời điểm kiểm tra, bà Dương Thị Liên, chủ lô hàng không xuất trình được tài liệu nào để chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa này.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Tây Hồ) kiểm tra một xe tải có biểu hiện nghi vấn. Chiếc xe tải BKS 29Z - 6708 đang dừng đỗ tại ngõ 464 Âu Cơ bị phát hiện chứa 161 túi nilon, trong đó có 1.610kg chân giò lợn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ. Toàn bộ số thực phẩm này đã bị lập biên bản và tịch thu để tiêu hủy.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Dương Thị Liên, Lô C53-04 Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông phát hiện trên 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng vừa công bố xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng đối với 7 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Theo đó, Công ty cổ phần Bigstar Việt Nam (số 42 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng do không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.

Chủ hộ kinh doanh Vũ Lệ Hằng - Bò nhúng dấm 555 (138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình); chủ hộ kinh doanh Mường Hoa (căn 402 HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cùng bị xử phạt mức 12,5 triệu đồng do kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cùng mắc lỗi này, Công ty cổ phần Five Spices (số 374 đường phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai); Công ty TNHH Greensky Quốc tế (số 10E, ngõ 145/5 đường Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) bị xử phạt mức 25 triệu đồng.

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn đã bị xử phạt 16 triệu đồng.

Công ty TNHH Đầu tư nước sạch và môi trường Thanh Oai (địa chỉ thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) bị xử phạt 35 triệu đồng do lỗi cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy trình kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.

Để bảo vệ sức khỏe của người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể...

Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: Hiện tình trạng buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội. Điều này không chỉ gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng mà còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm trong nước.

Việc lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện bắt giữ một lượng lớn thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc kiểm tra và kiểm soát chất lượng thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra khu vực bếp tại một nhà hàng

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là yêu cầu bức thiết để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 52/KH-CCATVSTP điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại các xã, phường, thị trấn từ ngày 28/10 đến 15/11. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn TP Hà Nội. Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý Thị trường TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an, Cục Hải quan, Cục Thuế Hà Nội và các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, sẽ tập trung kiểm tra nhóm hàng hóa thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Dự kiến Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ được triển khai đến hết ngày 25/12/2024, tiến hành hoạt động kiểm tra thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố…

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật