• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 300 công nhân, lao động tham gia đối thoại về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội

 Sáng 14/6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề "Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội”. Buổi đối thoại có sự tham gia của gần 300 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động huyện Đan Phượng.

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, với phương châm đồng hành, vì người lao động, Báo luôn chú trọng lựa chọn các vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm của người lao động để xây dựng chủ đề đối thoại, giao lưu.

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi đối thoại

Xuất phát từ thực tế các chế độ, chính sách thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi; Điển hình như việc tăng lương cơ bản với một số đối tượng sẽ được thực hiện từ 1/7 tới đây; Hoặc lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) thời gian qua phát sinh nhiều bất cập, khiến cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều đề xuất mới từ cơ quan soạn thảo cũng đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung. Những sự thay đổi đó, nếu người lao động không cập nhật kịp thời có thể sẽ bị thiệt thòi về quyền, lợi ích chính đáng.

Vì vậy, Báo đã lựa chọn chủ đề “Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội” cho buổi đối thoại này với mục tiêu cập nhật cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động những quy định, chính sách hiện hành, thiết thực như tiền lương, BHXH, pháp luật lao động, thời gian làm việc,…

Gần 300 công nhân, lao động tham gia đối thoại về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội

Công nhân tham gia đặt câu hỏi tại chương trình

Tại buổi giao lưu, nhiều công nhân, lao động đã trực tiếp đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến pháp luật lao động. Chị Lê Thị Thắm, trường Mầm non Phương Đình hỏi: "Người lao động bị ốm, phải nhập viện. Bảo hiểm y tế của người lao động đăng ký tại Bệnh viện huyện Đan Phượng. Giấy chuyển tuyến ra Bệnh viện Xanh Pôn nhưng người lao động muốn nhập và điều trị tại Bệnh viện 108. Như vậy người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm như thế nào?'.

Giải đáp câu hỏi, chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: "Câu hỏi của chị là về việc người lao động được chuyển đúng tuyến ra Bệnh viện Xanh Pôn nhưng muốn vượt tuyến qua Bệnh viện 108. Như vậy, khi đi khám, người lao động sẽ được hưởng chế độ BHXH 40% trên mức quyền lợi chúng ta đang được hưởng. Cụ thể, theo quy định hiện nay, chúng ta sẽ được hưởng 40% trên 80% quyền lợi mà được hưởng".

Chị Nguyễn Thị Huệ, Công ty Việt An hỏi: "Tôi ký hợp đồng lao động làm ở bộ phận đóng gói, sau vài tháng làm việc Công ty chuyển tôi sang làm ở bộ phận sơ chế nhưng không thông báo trước, việc Công ty chuyển vị trí làm việc của tôi như vậy có đúng hay không?".

Luật sư Đặng Văn Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội giải đáp: "Điều 29 Bộ luật Lao động động quy định rất rõ người sử dụng lao động được quyền điều chuyển lao động trong các trường hợp như: Bệnh nghề nghiệp, sự cố điện nước hoặc vì nhu cầu sử dụng lao động… Người sử dụng lao động có quyền được điều chuyển người lao động tối đa không quá 60 ngày, nếu quá 60 ngày thì phải có sự đồng ý của người lao động. Nếu người sử dụng lao động ở công ty của bạn vì mục đích sản xuất kinh doanh, điều chuyển không quá 60 ngày thì đúng quy định, nếu quá 60 ngày thì không đúng quy định".

Gần 300 công nhân, lao động tham gia đối thoại về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội

Các diễn giả tham gia buổi giao lưu

Chị Doãn Thị Hương - Công ty Hóa Dệt Hà Tây hỏi: Dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau đau ốm được quy định như thế nào?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Trong Luật BHXH có quy định rõ về các chế độ ốm đau, thai sản. Các chế độ này đều có chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Do vậy, khi người lao động đã hưởng đủ chế độ ốm đau, đi làm lại mà không đảm bảo sức khỏe thì người sử dụng lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sẽ họp và quyết định.

Đối với trường hợp nghỉ dưỡng sức sau khi nghỉ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ theo quy định. Tuy nhiên, với trường hợp người lao động đi làm sớm 2 tháng, tuyệt đối không được giải quyết chế độ dưỡng sức. Vì nếu muốn đi làm sớm thì phải đảm bảo sức khỏe mới đi làm được, do vậy BHXH sẽ không giải quyết chế độ này.

Qua hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, Ban tổ chức đã nhận trên 30 câu hỏi của công nhân, viên chức, lao động liên quan đến các chế độ, chính sách gửi tới chương trình. Buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến đã giúp các cán bộ công đoàn, có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên và người lao động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan