• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đột phá, hiệu quả nhất trong cải cách hành chính là thái độ phục vụ của cán bộ

Ngày 8/6, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đã chủ trì cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố đối với UBND thành phố về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND thành phố.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND thành phố

Tham gia đoàn giám sát có các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực, ngành; Tiếp đoàn giám sát có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.

Công tác lãnh đạo về CCHC ở một số đơn vị chưa sát sao

Tổng hợp kết quả giám sát các sở, ngành, đơn vị thời gian qua, HĐND thành phố nhận định, giai đoạn 2021-2025, công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được Thành ủy, HĐND thành phố quan tâm và kết quả chỉ số CCHC của thành phố các năm 2021, 2022 luôn nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước và có sự cải thiện hàng năm.

Cùng với đó, nhiệm vụ về chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số được các cơ quan, đơn vị của thành phố thực hiện với nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tốt so với quy định chung của Chính phủ.

Tuy nhiên, HĐND thành phố cũng cho rằng, tuy chỉ số CCHC của thành phố có tăng về điểm số và thứ hạng nhưng một số chỉ tiêu thành phần có dấu hiệu suy giảm, trong đó có chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tụt 16 bậc so với năm 2021. Năm 2022, Chỉ số PAPI của thành phố sụt giảm cả về điểm số và thứ hạng, so với năm 2021, chỉ số tổng hợp PAPI 2022 giảm 3 bậc và có tới 5/8 chỉ số thành phần giảm. Chỉ số PCI năm 2022 cũng tụt 10 bậc so với năm 2021, đứng ở vị trí 20/63 tỉnh, thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

HĐND thành phố cũng nhận định, vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu trong kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CCHC, cũng như chưa có những biện pháp hiệu quả với những trường hợp chậm thực hiện. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành về CCHC ở một số cơ quan, một số lĩnh vực còn chưa sát sao, chưa quyết liệt, vẫn còn có nhiệm vụ chậm tiến độ. Nhận thức của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt ở cấp xã về công tác CCHC còn hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch CCHC hằng năm còn hình thức, chung chung, chưa cụ thể, chưa gắn với đặc thù, nhiệm vụ của ngành, đơn vị, chưa xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá.

Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quy chế, quy trình công tác, kết luận, chỉ đạo của cấp trên còn hạn chế. Tính chủ động trong tham mưu, đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp ở một số cơ quan, đơn vị, bộ phận, cá nhân còn yếu.

Phải thay đổi nhận thức, đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định, việc HĐND thành phố lựa chọn vấn đề giám sát rất trúng. Lĩnh vực này, UBND thành phố đã nhận thức rõ tầm quan trọng và đang triển khai với mong muốn các sở, ngành, cán bộ làm trực tiếp phải thay đổi nhận thức, đổi mới sáng tạo, nhất là trong chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại buổi giám sát

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại buổi giám sát

“Đột phá của đột phá, hiệu quả nhất trong CCHC là khâu TTHC và thái độ phục vụ của cán bộ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, lĩnh vực này, hiệu quả cuối cùng là người dân có đồng thuận tham gia không, đây mới là kết quả cần. Vì thế, mỗi sở, ngành, đơn vị cần có nhận thức đầy đủ, tư duy sáng tạo, làm thực chất; Xây dựng bộ tiêu chí trong lĩnh vực CCHC, xác định sản phẩm cuối cùng để đánh giá.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận, công tác chuyển đổi số của thành phố vẫn còn những hạn chế. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo lần lượt công khai các quy trình, thủ tục hành chính, nhân sự (trừ lĩnh vực pháp luật quy định cấm) thực hiện với mục đích công khai minh bạch để để người dân giám sát, đồng thuận thực hiện.

Thay mặt Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên khẳng định, bên cạnh những kết quả tích cực, vấn đề CCHC, chính quyền điện tử và chuyển đổi số của thành phố còn những hạn chế.

Vẫn còn 25 chính sách ký rồi nhưng ban hành chậm; 224 định mức kỹ thuật ban hành chậm; 199 đơn giá chậm không ban hành được. Đặc biệt có 86 TTHC ủy quyền cho cấp huyện nhưng chưa triển khai được, do khâu rà soát ủy quyền không kỹ, đưa vào kế hoạch nhưng chưa thực hiện được lại xin ý kiến ngược lại.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành có quy trình nội bộ cụ thể, rõ ràng; Xây dựng quy trình mẫu, để tránh việc đơn vị, cơ sở tự ban hành quy trình nội bộ, dẫn đến việc nơi nào thủ trưởng quan tâm đến CCHC thì tốt, không quan tâm thì lại chậm.

Đối với cải cách tài chính công, Sở Tài chính cần rà soát lại, tham mưu ban hành đơn giá, định mức; Cần thiết thuê chuyên gia xây dựng, đơn vị nghiệm thu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng kịp thời.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật