• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề cao vai trò của cộng đồng trong quy hoạch đô thị

Để gìn giữ được những bản sắc văn hóa xã hội riêng có của Hà Nội, cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc quy hoạch đô thị.

Giữ khí chất linh thiêng cho đô thị ngàn năm

Trong phát biểu tham luận tại Hội thảo “Một số vấn đề lý luận thực tiễn trong xây dựng và thực hiện quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tới việc chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội của Thủ đô trong công tác Quy hoạch Thủ đô.

Đề cao vai trò của cộng đồng trong quy hoạch đô thị

TS Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại hội thảo

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, một cách tiếp cận của quản lý đô thị là hướng tới cảm giác hạnh phúc của người dân thông qua gia tăng sự yêu mến và gắn bó của họ với đô thị nơi họ sống.

Các cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng các công cụ để gắn kết mối quan hệ giữa người dân với từng bộ phận và hoạt động của đô thị, như: Di tích lịch sử, danh thắng, quán ăn, hiệu sách, khung cảnh phố phường… cho tới các hoạt động sinh hoạt thường ngày như cư ngụ, vui chơi và làm việc.

Ở khía cạnh tiếp cận này, cư dân là trung tâm của mọi mối quan hệ, là chủ thể gắn kết cuộc sống của họ với các hoạt động quản lý kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị của một đô thị nhưng cũng đồng thời đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải tôn trọng các đặc điểm cá biệt của mỗi người dân.

“Thủ đô Hà Nội không chỉ là một khái niệm về địa lý, đơn vị hành chính đơn thuần do nhà nước thiết lập và quản lý mà nó là đời sống văn hóa xã hội của một người dân, một cộng đồng dân cư”- TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Kiên, bản sắc của một đô thị lại là một khái niệm rất khó xác định, không dễ dàng thu gọn, cũng không dễ dàng tách biệt thành các giá trị đơn lẻ. Do đó, phát triển Thủ đô Hà Nội cần quan tâm tới các yếu tố như sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng như sinh kế, sức khỏe, giáo dục, an toàn; bảo đảm môi trường sống tốt bao gồm không khí, nguồn nước, chất thải; nâng cao đời sống văn hoá, xã hội; phát triển xã hội dân sự, tăng cường sự tham gia của người dân đối với các vấn đề lớn của đô thị.

Trong đó, TP cần duy trì các đình, đền, chùa và những nơi rất dân dã như cổng làng, cây đa, ngôi miếu nhỏ... để gìn giữ khí chất linh thiêng cho một đô thị ngàn năm văn hiến đang chuyển mình và tạo ra cảm giác gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên, tinh thần của người dân Hà Nội.

Kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai

Đề cao vai trò của cộng đồng trong quy hoạch đô thị

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội thảo

Ngoài ra, sự phổ biến của các phương tiện giao thông cũng là một yếu tố tạo nên bản sắc của đô thị. TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đặc điểm kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực lõi của Thủ đô Hà Nội đề cao tính cơ động và trong bối cảnh các phương tiện giao thông công cộng chưa hoàn thiện thì vẫn nên duy trì xe máy. Ở các đô thị sinh thái, cần ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch và đề cao hiệu quả sử dụng năng lượng...

“Không gian phố đi bộ tại khu vực Hồ Gươm cần tôn trọng không gian tự nhiên nhiều hơn. Gần đây, các quầy hàng được xây dựng theo cách quay lưng về phía hồ và che lấp phong cảnh hồ từ chỗ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục kéo dài nhà hàng Lục Thủy. Cách làm này cần được xem xét kĩ càng để điều chỉnh lại để giữ lại không gian cho Hồ Gươm”- TS Nguyễn Đức Kiên góp ý.

TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, bản sắc Thủ đô Hà Nội không phải là một thứ có thể được tạo ra một cách duy ý trí trong một thời gian ngắn mà phải được hun đúc và nuôi dưỡng từ lịch sử của đô thị và từ văn hóa, lối sống của cư dân qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Một Hà Nội đáng sống phải kết nối được lịch sử với hiện tại và tương lai, giữ gìn được cả giá trị vật chất và tinh thần cho các thế hệ mai sau. Để gìn giữ được những bản sắc văn hóa xã hội riêng có của Hà Nội, cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong công việc quy hoạch đô thị. Cần có cơ chế phù hợp để cộng đồng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề sát thực nhất với cuộc sống hàng ngày ngay từ khâu xây dựng quy hoạch.

“Tính khả thi và đồng thuận để giải quyết triệt để các vấn đề của Thủ đô sẽ chỉ đạt được khi nhận thức, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư được tôn trọng và tăng cường”- TS Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.


Tác giả: Tú Linh; Ảnh Hồng Mạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật