Cần bỏ ngay tượng Đức Thánh Trần nhái Quan Công
“Bóp méo lịch sử và thể hiện sự nghèo nàn sáng tạo thì nên dẹp bỏ. Lịch sử không phải đề tài để châm chước cho những sai sót”, nhà điêu khắc – họa sĩ Lê Đình Quỳ nói về bức tượng Đức Thánh Trần nhái Quan Công.
Những ngày qua, mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh về bức tượng được ghi là Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sai cơ bản về dữ liệu lịch sử
Dù được ghi chú là “Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn”, nhưng chỉ cần nhìn qua ảnh chụp bức tượng, cũng khiến nhiều người phát hiện những sai sót dễ thấy về lịch sử. Cụ thể, bức tượng trông giống hình tượng Quan Vân Trường - một danh tướng thời Tam quốc (Trung Quốc), hơn là bức tượng Trần Hưng Đạo.
Bức tượng mô tả hình ảnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa trong tư thế phi mã, tay cầm long đao oai phong lẫm liệt.
Nhiều người cho rằng, bức tượng dù có vẻ là đẹp, nhưng sai về dữ liệu lịch sử cơ bản: Hưng Đạo Vương không cưỡi ngựa mà cưỡi voi; ngài không sử dụng thanh long đao mà dùng kiếm. Đồng thời, tư thế ngựa phi, đưa hai chân lên cũng bị cho là chưa phù hợp.
PGS.TS Kiều Thu Hoạch - nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian - cho rằng, nếu nói bức tượng này mô phỏng Đức Thánh Trần thì không đúng so với các tình tiết lịch sử. Trần Quốc Tuấn không cưỡi ngựa khi ra trận.
Quân Nguyên Mông mới có sở trường cưỡi ngựa, khi sang xâm chiếm nước ta, quân địch chết vì chúng ta bày trận địa ở nơi sông nước. Làm tượng Đức Thánh Trần cưỡi ngựa cầm long đao giống như đang mô tả Quan Công.
Nhìn qua bức ảnh chụp lan truyền trên mạng, hầu hết người xem đều đánh giá và khẳng định đó là tư thế quen thuộc trong các bức tượng mô tả Võ Thánh Quan Công. Không có một chút gì để có thể khiến người xem liên hệ với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, bức tượng lại được đặt tại khu du lịch tư nhân ở TP Vũng Tàu.
Ông Đậu Thế Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, chủ khu du lịch Hồ Mây - cho biết, sẽ cùng các ngành chức năng thẩm định lại. “Tượng Đức Thánh Trần trên Hồ Mây có râu ngắn, không dài như Quan Công, áo giáp là của Việt Nam và khuôn mặt thuần Việt”, ông Anh giải thích thêm.
Ông Huỳnh Đức Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho hay, đơn vị chức năng của sở đã tới Khu du lịch Hồ Mây để nắm tình hình. Tuần tới, khu du lịch sẽ trình toàn bộ hồ sơ, giấy phép đặt tượng, sở mới trả lời đầy đủ về việc này.
Tuy nhiên, qua kiểm tra ban đầu, sở nắm được tượng Đức Thánh Trần trên Hồ Mây đặt từ năm 2018. Trong quy hoạch được duyệt của Khu du lịch Hồ Mây có quy hoạch khu vực đặt tượng và có tượng Đức Thánh Trần.
Nghèo sáng tạo, phạm đại kỵ
Trao đổi với Báo GD&TĐ về bức tượng Đức Thánh Trần nhái Quan Công, nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Đình Quỳ - tác giả nhiều tượng đài nổi tiếng - cho rằng, nhìn đơn thuần không thể khẳng định đó là bức tượng mô tả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ hình dáng, kiểu cách cho tới khuôn tượng đều giống hình ảnh Quan Công.
Ông Quỳ khẳng định, người làm bức tượng này không có chuyên môn và không hiểu biết về lịch sử. Tượng danh nhân là lĩnh vực không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn hàm chứa ý nghĩa lịch sử lớn lao. Người làm điêu khắc mà thiếu khuyết cả kiến thức lịch sử lẫn óc thẩm mỹ thì không còn gì để bình luận.
“Bức tượng nhái Quan Công đã là một chuyện kém cỏi trong nhận thức sáng tạo. Đằng này, nhìn vào phần bệ đế đỡ dưới bụng con ngựa cũng thấy bức tượng không có chút giá trị nghệ thuật nào. Nó phá vỡ cấu trúc cơ bản của tượng, phạm vào đại kỵ. Điêu khắc như thế là vứt”, ông Quỳ đánh giá.
Bàn về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định, sáng tác một cái gì đó không đồng nghĩa với sáng tạo. Người Pháp đã đào tạo một thế hệ họa sĩ Việt Nam bằng kỹ thuật và lý thuyết phương Tây, nhưng không có cụ nào vẽ “như Tây”, đó là sáng tạo.
“Bất cứ trường mỹ thuật nào trong hay ngoài nước đều có thể đào tạo ra những người có khả năng sáng tác. Nhưng không nơi nào có thể trao truyền khả năng sáng tạo. Bất cứ ai được học, cũng đều có thể vẽ tranh, làm nhạc, viết văn... Một người có thể học được kỹ thuật cao, lý luận sâu, chưa chắc đã là một người có khả năng sáng tạo. Bởi, sáng tác là hành vi, trong khi sáng tạo là một hành trình”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Đồng ý kiến đó, ông Lê Đình Quỳ nói rằng: “Bóp méo lịch sử và thể hiện sự nghèo nàn sáng tạo thì nên dẹp bỏ. Lịch sử không phải đề tài để châm chước cho những sai sót”.
Trong vài năm gần đây, thảm họa tượng tại các khu du lịch đã trở thành vấn nạn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển văn hóa và thẩm mỹ. Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi”, Nữ hoàng băng giá Elsa “phiên bản đột biến” tại Sa Pa (Lào Cai), rồi vườn tượng 12 con giáp tạo hình khỏa thân trong Khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng)… từng khiến giới chuyên môn phải xấu hổ.
Trước vấn nạn này, ông Lê Đình Quỳ cho rằng, ngành văn hóa cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và xử lý để bảo vệ văn hóa và nét thẩm mỹ nói chung. Một bức tượng đặt ngoài trời, dù ở khu du lịch thuộc về vấn đề mang tính phổ biến nhiều người thấy. Bởi vậy, tượng phải đạt các yêu cầu cơ bản về chuyên môn, cũng như mang tính giáo dục và các yếu tố thẩm mỹ.