Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Xây dựng Luật Việc làm sửa đổi đảm bảo chất lượng, tiến độ
Cục Việc làm được yêu cầu tập trung hơn nữa trong việc xây dựng Luật Việc làm sửa đổi đảm bảo chất lượng, tiến độ để trình Quốc hội xem xét.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 12/1/2024, Phó Cục trưởng Cục Việc làm - ông Tào Bằng Huy cho biết, năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666.500 người so với năm trước. Trong số đó, 51,3 triệu lao động có việc làm.
Đáng chú ý, trong tháng 9/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số rút lui khỏi thị trường, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động. Các tháng cuối năm 2023, thị trường lao động khởi sắc theo đà phục hồi của kinh tế - xã hội, thể hiện qua chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ tăng, như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh...
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Cục Việc làm. Ảnh: Bộ LĐTB&XH |
Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Việc làm - ông Tào Bằng Huy thông tin, năm 2023, hơn 1,1 triệu người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1 triệu người có quyết định hưởng trợ cấp này. Bên cạnh đó, đã có 2,35 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Số người được giới thiệu việc làm như vậy tăng 5.8% so với cùng kỳ.
Ngoài những kết quả trên, năm 2023, Cục Việc làm đã hoàn thành tốt vai trò và tham mưu kịp thời cho Bộ trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng để có những chỉ đạo điều hành nhằm ổn định thị trường lao động, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động xảy ra, như: Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi); Nghị định số 70/2023/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP) về quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Năm 2023 là năm đầu phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, Cục Việc làm cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh thành để chỉ đạo hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, đặc biệt ở các thị trường lớn, trọng điểm nhằm đảm bảo triển khai thông suốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động qua các phiên giao dịch trực tiếp và trực tuyến, giúp thị trường lao động có nhiều chuyển biến phục hồi rõ rệt.
Cục trưởng Cục Việc làm – ông Vũ Trọng Bình. Ảnh: Bộ LĐTB&XH |
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm - ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, trong năm 2024, Cục Việc làm xác định, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), dựa trên nguyên lý xuyên suốt là việc làm phải gắn với thị trường lao động. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ việc làm không chỉ dành cho đối tượng yếu thế mà còn khơi nhiều nội dung mới như việc làm xanh, việc làm công bằng, việc làm cho người cao tuổi…
Trong đó, theo Cục trưởng Cục Việc làm – ông Vũ Trọng Bình, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ xây dựng nội hàm để củng cố thể chế, luật hóa chủ trương phát triển thị trường lao động, thể hiện vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng sẽ làm rõ vai trò doanh nghiệp tham gia thị trường lao động, cung cấp, kết nối với hệ thống trung tâm việc làm của nhà nước.
Nhấn mạnh thị trường lao động được Chính phủ xếp ngang những thị trường trọng yếu của nền kinh tế như thị trường vốn, bất động sản…, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Lê Văn Thanh cho hay, hoạt động nổi bật của ngành lao động trong thời gian qua là việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) với ý tưởng mới hơn về phát triển thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất cơ chế đánh giá kỹ năng nghề…
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Lê Văn Thanh. Ảnh: Bộ LĐTB&XH |
Năm 2024, theo ông Lê Văn Thanh, đất nước sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Thị trường lao động mất cân đối cung - cầu, lao động cục bộ, chất lượng lao động còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng nhu cầu,…
Để khắc phục các khó khă, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Cục Việc làm cần tiếp tục năng động, sáng tạo, chủ động, bám sát thực tiễn, theo kịp các thay đổi của thời đại và tuân thủ thông lệ quốc tế, đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có những quyết sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả nhất.
Đặc biệt, “Cục Việc làm tập trung hơn nữa trong việc xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024”- ông Thanh yêu cầu.
Bên cạnh đó, Cục Việc làm được đề nghị cần chủ động hơn trong việc phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành trong việc thực hiện kết nối cung - cầu lao động tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, quản lý lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.