• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Nhìn nhận phụ nữ khuyết tật là một nguồn nhân lực

 Trong những năm qua, với những chính sách của Nhà nước; chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ; các hoạt động của hội, nhóm, câu lạc bộ người khuyết tật ngày càng phát triển giúp phụ nữ khuyết tật đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Dù vậy, công tác hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng đâu đó vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng "hỗ trợ người yếu thế". Đã đến lúc, cả xã hội cần sự nhìn nhận người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật là một bộ phận trong nguồn nhân lực để có những động thái và giải pháp đột phá.

Thêm chính sách cho doanh nghiệp có đông lao động nữ khuyết tật

Theo khảo sát, có rất nhiều rào cản trong quá trình phụ nữ khuyết tật tìm kiếm việc làm và làm việc, như: Gia đình không ủng hộ; thái độ không tích cực mà họ phải đối mặt tại nơi làm việc; chủ sử dụng lao động ít khi chỉnh sửa cơ sở vật chất nơi làm việc phù hợp với họ…

Do đó, giải quyết vấn đề tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật là một chuỗi liên hoàn các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, từ thay đổi nhận thức của cộng đồng, thay đổi môi trường xã hội cho đến đào tạo nghề, kiếm việc làm… Ngoài ra, cần sự phối hợp và thể hiện vai trò của các bên như các cơ quan quản lý Nhà nước; doanh nghiệp, các hiệp hội đoàn thể và bản thân người khuyết tật.

Theo ông Nguyễn Tam Giang, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB): Phát triển hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho người khuyết tật sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có đầu ra, không có doanh nghiệp nhận vào làm, môi trường làm việc không được cải thiện phù hợp cho người khuyết tật làm việc… Do đó, vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giải pháp này là rất lớn.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì cho rằng, cần nhấn mạnh vai trò của Công đoàn phối hợp cùng các tổ chức xã hội, các cơ sở đào tạo nghề đưa lao động khuyết tật về làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ họ tại doanh nghiệp. Song song đó, các hiệp hội ngành nghề cần vận động chính sách thuế, giảm thuế trong các doanh nghiệp có đông lao động nữ khuyết tật; vận động các nhãn hàng, các nhà buôn trên thế giới ưu tiên đặt hàng tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ khuyết tật.

Bài 3: Nhìn nhận phụ nữ khuyết tật là một bộ phận trong nguồn nhân lực

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng hãy nhìn nhận phụ nữ khuyết tật, khiếm thị là một bộ phận trong nguồn nhân lực xã hội

Các chuyên gia cũng cho rằng, để tăng cơ hội việc làm đối với phụ nữ khuyết tật, cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, nâng cao học vấn và đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là với nhóm trẻ tuổi - nhóm có thu nhập bấp bênh nhất, đang học và làm một nghề không được bảo đảm. Bên cạnh đó, có phương hướng thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong vấn đề tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật; tích cực truyền thông, giảm kỳ thị với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.

Ngoài ra, chủ trương tạo ra việc làm bền vững cho phụ nữ khuyết tật cũng cần thay đổi. Đó là cách đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật phù hợp với khả năng của họ. Đồng thời, cần tạo ra môi trường làm việc phù hợp với nhóm yếu thế này, từ cơ sở hạ tầng, trợ giúp về phương tiện đi lại và sinh hoạt, bồi dưỡng kỹ năng sống và kỹ năng pháp lý.

Từ phương diện là một phụ nữ khuyết tật, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ: Đảng, Nhà nước và các ban ngành đã luôn quan tâm và nỗ lực hoàn thiện các chính sách, phát huy hiệu quả việc thực thi chính sách trong thực tế. Song song với đó rất lắng nghe ý kiến của người khuyết tật thông qua các tổ chức của Hội Người mù hay tổ chức đại diện cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, đối với các tổ chức và cộng đồng cần nhìn nhận phụ nữ khuyết tật cũng là một bộ phận trong nguồn nhân lực xã hội. “Hãy tạo cơ hội, điều kiện để họ phấn đấu, xây dựng môi trường bình đẳng, thân thiện, hòa nhập thì chắc chắn sẽ càng nhiều người phụ nữ khiếm thị sẽ nỗ lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn của chính mình để vươn lên, không chỉ chăm lo cho bản thân mà còn là thành viên có trách nhiệm cho cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển của chung xã hội”- bà Đinh Việt Anh bày tỏ.

Cần sự chủ động từ chính người khuyết tật

Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn của doanh nghiệp và toàn xã hội, song chính họ cũng cần nỗ lực hơn, tự trang bị những kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng đáp ứng công việc của nhà tuyển dụng...

Bài 3: Nhìn nhận phụ nữ khuyết tật là một bộ phận trong nguồn nhân lực

Hội Người khuyết tật TP Hà Nội kết nối tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội Trịnh Xuân Dũng cho hay, hiện nay, đã có khoảng 30 hội người khuyết tật ở các quận, huyện trên địa bàn TP. Tuy nhiên, nhiều người khuyết tật vẫn khó liên kết với hội vì họ không có nhu cầu tham gia hoặc gia đình họ không đồng ý cho họ tham gia. Bên cạnh đó, do tính cách rụt rè và tâm lý còn e ngại của một số người khuyết tật, việc họ không tham gia hội là điều dễ hiểu.

Ông Dũng chia sẻ, khi mới thành lập, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội phải vận động từng thành viên tham gia. Nhiều người trong số đó chưa biết mình phù hợp với công việc gì, chưa hình dung được khả năng của mình đến đâu để hội hỗ trợ trong đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm.

Hiện nay, các hội nhóm người khuyết tật tại TP Hà Nội đều có chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật. Hội cũng là nơi kết nối tìm kiếm việc làm cho đối tượng này; kết nối với nhiều công ty, xí nghiệp để tạo việc làm cho người khuyết tật. Một số nghề mà hội đã triển khai giới thiệu gồm: Nghề may, sử dụng máy tính, thủ công mỹ nghệ…

“Người khuyết tật cần phải xác định được họ yêu thích nghề gì? Ngành nghề gì phù hợp với khả năng lao động của họ. Nếu họ tìm đến hội, chúng tôi mới giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tìm kiếm việc làm phù hợp được”, ông Dũng chia sẻ.

Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản để nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội.

Bài 3: Nhìn nhận phụ nữ khuyết tật là một bộ phận trong nguồn nhân lực

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội việc làm mới cho người khuyết tật

Theo bà Thụy, thực tế, công nghệ hiện đại ngày nay đang dần thay thế sức lao động của con người. Nhờ những công nghệ hiện đại mà khoảng cách định kiến của xã hội với người khuyết tật đang ngày càng thu hẹp lại thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp tiện lợi, sử dụng trí tuệ nhiều hơn.

"Đặc biệt, cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cũng cực kỳ nhiều, nhất là trong thời đại việc khởi nghiệp và người khuyết tật đều được tạo điều kiện phát triển như hiện nay", bà Thụy đánh giá.

Đồng thời, bà Thụy đề xuất: "Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật. Hai bên cùng có sự trao đổi sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Các trung tâm việc làm có thể tổ chức các chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, ngày hội việc làm... mở ra môi trường để cả người khuyết tật cũng như doanh nghiệp hiểu rõ về nhau hơn".

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật