• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Điểm tựa tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình chính sách

 Việc chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Bởi vậy, công tác này không chỉ làm thường xuyên, mà cần phải thực chất, trở thành sức mạnh tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình chính sách và đi sâu vào tâm khảm của mỗi người dân như lẽ tự nhiên nhất...

Nâng cao cuộc sống cho thương bệnh binh, gia đình chính sách

Bà Quách Thị Nga, vợ liệt sĩ Bùi Văn Lệ (thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) là một trong những hộ gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn được hỗ trợ về nhà ở. Bà Nga lấy ông Bùi Văn Lệ chưa được bao lâu thì ông Lệ hi sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Thiếu vắng chồng từ năm 18 tuổi, bản thân lại bị bệnh tim bẩm sinh, con bà, anh Bùi Đình Trọng cũng thường xuyên đau yếu, kinh tế gia đình luôn gặp khó khăn. Ở tuổi 85, bà Nga vẫn chưa bao giờ dám mơ mình sẽ được ở trong ngôi nhà mới.

Năm 2021, gia đình bà được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây tặng một ngôi nhà tình nghĩa. “Từ ngày ở trong ngôi nhà này, tôi không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa hay mỗi lần đi lại trong đêm trên nền nhà cũ gập ghềnh nữa”, bà Nga chia sẻ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện Thanh Oai có gần 30.000 người tham gia hoạt động kháng chiến; 2.863 liệt sĩ đã anh hũng hy sinh; 1.640 thương binh; 797 bệnh binh; 1.057 người bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ... Phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua huyện đã dành hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để trợ cấp ưu đãi đối với người có công. Ngoài chính sách trợ cấp còn có các hoạt động thăm hỏi tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, khám bệnh phát thuốc, chăm sóc sức khỏe người có công; Tu sửa, nâng cấp xây mới nhà ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách...

Các đoàn thể huyện Thanh Oai tổ chức khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người có công, gia đình chính sách

Các đoàn thể huyện Thanh Oai tổ chức khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người có công, gia đình chính sách

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và nhiều tập thể, cá nhân đã tự nguyện, vận động tổ chức các hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn ngôi nhà hỗ trợ tu sửa và xây mới, cùng với đó là hàng nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng trị giá hàng tỷ đồng... Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành triển khai bằng nhiều hình thức, hoạt động đa dạng, phong phú góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên.

Quận Ba Đình có tổng số thân nhân liệt sỹ, thương binh và người có công với nước được hưởng chính sách gần 30 nghìn người. Vào tháng 7 hằng năm, UBND quận phối hợp với các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Quân y 354, Đa khoa Xanhpon, .... tổ chức khám, tư vấn, chăm sóc sức khoẻ, cấp phát thuốc miễn phí cho người có công và thân nhân người có công. Đồng thời, quận tổ chức gặp mặt, tặng quà các gia đình chính sách thuộc đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, quận tuyên truyền các gương tiêu biểu, người tốt việc tốt là thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong phong trào chăm sóc người có công và công tác Đền ơn đáp nghĩa...

Bài 3: Khơi dậy sức mạnh tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình chính sách

Người có công chơi cờ người và tham gia nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh Trần Oanh

Tại quận Ba Đình, công tác vận động ủng hộ quỹ đã nhận được sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn quận. Từ nguồn quỹ vận động trên, quận đã triển khai xây mới và sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, thay sổ tiết kiệm cho và trợ cấp cho thương, bệnh binh nặng và gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn.

Trong khi đó, tại huyện Thường Tín, chính quyền và Nhân dân huyện luôn đặt trọng tâm vào việc tôn vinh, kỷ niệm và chăm sóc đặc biệt cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công - những người đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của huyện. Các chính sách hỗ trợ, phúc lợi và ưu đãi được đưa ra nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho người có công và gia đình chính sách.

Nghĩa tình chăm lo cho người có công lan tỏa rộng

Sau dịch COVID- 19, đời sống của phần lớn người dân bị ảnh hưởng, trong đó có các gia đình chính sách. Bằng sự chăm lo, nỗ lực, các cấp, ngành đã bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền đã trở thành động lực để những thương binh và người thân của họ nỗ lực vượt khó vươn lên để thực hiện lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế".

Bài 3: Khơi dậy sức mạnh tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình chính sách

Ông Nguyễn Văn Tạ ủng hộ số tiền từ mức trợ cấp hàng tháng cho thương binh để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của TP Hà Nội

Là thương bình nặng hạng 1/4, ông Phan Đắc Vinh, 72 tuổi ở thôn 7 xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng hiện đang được hưởng các chế độ chăm sóc gần 8 triệu đồng, lại có thẻ bảo hiểm y tế. "Nhìn chung, cuộc sống so với mức trung bình chung tại nông thôn là ở mức khá. Mức trợ cấp, hỗ trợ đã tốt hơn trước rất nhiều so với trước đây. Cùng với đó là sự chăm lo của các cấp địa phương nên mức sống của chúng tôi được đảm bảo. Hơn 2 năm dịch COVID-19 ảnh hưởng chung tới toàn xã hội nhưng tôi vẫn được chính quyền các cấp quan tâm, thăm hỏi động viên”, ông Vinh chia sẻ.

Dù là thương binh nặng nhưng trong các đợt dịch COVID- 19, ông Vinh vẫn tích cực cùng hội cựu chiến binh tham gia vận động bà con tham gia phòng, chống dịch, nấu cơm, đưa cơm cho chốt gác phòng dịch và là tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”.

Không chỉ ông Vinh, ông Nguyễn Văn Tạ, thương binh hạng 4/4, ở xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và gia đình đã tham gia ủng hộ số tiền 2 triệu đồng từ mức trợ cấp hàng tháng cho thương binh để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của TP.

Ông Tạ đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong đó có chiến trường Lào. Khi trở về quê hương, ông lại hăng say tham gia các hoạt động xã hội.

"Tôi luôn biết ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân ta luôn anh dũng trong hai cuộc kháng chiến, để giờ đây đất nước hòa bình. TP Hà Nội luôn quan tâm giúp đỡ, trợ cấp đều đặn hàng tháng, giúp cho cuộc sống của gia đình tôi tốt đẹp hơn. Vì vậy, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam về phòng, chống dịch, tôi cũng đóng góp một phần sức lực nhỏ bé, thể hiện tấm lòng cùng nhau vượt qua khó khăn, bảo vệ sức khỏe cho người dân”, ông Tạ chia sẻ.

Bài 3: Khơi dậy sức mạnh tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình chính sách

Công tác chăm lo cho người có công trở thành một nét đẹp trong đời sống xã hội

Công tác chăm lo cho người có công đang trở thành một nét đẹp trong đời sống xã hội. Trong hội nghị biểu dương, khen thưởng người có công tiêu biểu; Tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và công tác đền ơn đáp nghĩa TP Hà Nội cách đây 1 năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh: "Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình chăm lo cho người có công đã lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội; Trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc".

Ngày nay, các cấp, ngành, địa phương luôn tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; Coi đây vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Góp phần đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành nét đẹp và hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.

(Còn nữa)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan