6 tháng đầu năm, vẫn còn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm
Thị trường lao động trong quý II năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Theo đó, lực lượng lao động, số người có việc làm quý II năm 2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 6/7, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh: COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trong trạng thái bình thường mới giúp thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi.
Thị trường lao động trên đà phục hồi
Cụ thể, ông Tiến cho biết, thị trường lao động trong quý II năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II năm 2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 400.000 người so với quý trước và tăng gần 600.000 người so với cùng kỳ năm 2021. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 300.000 người và 100.000 người).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II/2022 là 68,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,2 điểm phần trăm so với nam là 74,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý II/2022 là 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Số người lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên trong quý II là 50,5 triệu người, tăng 504,5 nghìn người so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người, tăng 127,9 nghìn người so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và khu vực nông thôn là 31,9 triệu người, tăng 376,6 nghìn người so với quý trước và 27,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể như: hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trên cả nước đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động quý II phục hồi mạnh mẽ. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II là 881,8 nghìn người, giảm 447,1 nghìn người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phạm Hoài Nam, tình hình thiếu việc làm của người lao động đã được cải thiện đáng kể. “Như vậy, thị trường lao động quý II/2022 tiếp tục khởi sắc sau quý chạm đáy vào quý III/2021”, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê)nhấn mạnh.
Thu nhập của người lao động được cải thiện
Về thu nhập bình quân tháng của người lao động, theo ông Phạm Hoài Nam, quý II/2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động thành thị cao gấp 1,38 lần khu vực nông thôn với 8,0 triệu đồng và 5,8 triệu đồng.
Tính chung thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2021 và tăng 11% so với cùng kỳ 2020.
Quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, kể cả năm chưa tác động của dịch Covid-19, ông Phạm Hoài Nam cho rằng, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước.
Cụ thể, trong các năm từ 2019 - 2021, thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I. Tuy nhiên trong năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II không chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
“Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện”, ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.
Quý II/2022 cũng chứng kiến thu nhập của người lao động làm việc ở cả 3 khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với quý trước. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong 3 khu vực của nền kinh tế với 7,5 triệu đồng, tăng 11,5%, tương ứng 774 nghìn đồng.
Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, quý II/2022 cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động việc làm ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá như khai khoáng (9,7 triệu đồng, tăng 17,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo (7,4 triệu đồng, tăng 12,4%); dịch vụ (7,8 triệu đồng, tăng 623 nghìn đồng)…
Mặc dù thị trường lao động quý II và 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, nhưng theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với biến chủng mới đã xuất hiện tại Việt Nam.
Do đó, để thị trường lao động phát triển ổn định, ông Nguyễn Trung Tiến đưa ra 4 khuyến nghị, bao gồm: tiếp tục nhất quán phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19", tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, cần các kịch bản đối phó với các biến thể mới có thể xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới;
Ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động;
Cùng với đó, kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
6 tháng đầu năm 2022, số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm là hơn 1,1 triệu người, giảm 30,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn.